Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Sáu tháng đầu năm 2020, cùng với cả nước, ngành tư pháp đã kịp thời rà soát các chương trình, kế hoạch công tác, đánh giá tác động và có giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tham gia với Chính phủ, chính quyền các cấp trong việc rà soát, chuẩn bị cơ sở pháp lý, xây dựng các văn bản để chỉ đạo ứng phó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm ổn định, phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch. Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 98 nhiệm vụ, đã hoàn thành 54 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.
Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã trình Quốc hội thông qua thông qua 10 luật và nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 410 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương ban hành hơn 2.800 văn bản quy phạm pháp luật. Toàn ngành đã tổ chức thẩm định 164 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hơn 2.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra theo thẩm quyền hơn 4.500 văn bản quy phạm pháp luật.
Trong việc thi hành án dân sự 9 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 1/10/2019 đến hết tháng 6/2020), toàn ngành đã thi hành gần 375.000 việc, đạt 62,78% với trên 39.300 tỷ đồng, đạt 24,15%...
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn nêu rõ: Trong 6 tháng cuối năm 2020 toàn ngành sẽ thực hiện có hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ mới được giao thêm, các nhiệm vụ được bổ sung vào nhóm nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành tư pháp. Trong đó, ngành tư pháp chú trọng hoàn thành việc xây dựng Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành: tổng kết Luật Thi hành án dân sự 2008 và lập đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, trên cơ sở đó lập đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi); xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 619 năm 2017 về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật...
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi nhằm hoàn thiện Báo cáo sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp công tác 6 tháng cuối năm 2020. Một số ý kiến chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc giãn cách xã hội dẫn đến việc triển khai một số nhiệm vụ gặp khó khăn và chậm tiến độ. Kết quả công tác trên nhiều lĩnh vực đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu các đơn vị thuộc bộ, cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự các cấp tiếp tục ưu tiên, tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chuẩn bị kỹ hồ sơ các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, trong đó cần rà soát kỹ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tư pháp trên địa bàn, nhất là lĩnh vực bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan cần tập trung nguồn lực, kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2020, tập trung thi hành hiệu quả án kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt; tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm trong toàn hệ thống thi hành án dân sự…