Hiệu quả triển khai các Nghị quyết
Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, năm 2023, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố và sự điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố, sự phối hợp tham mưu của các sở, ngành, địa phương, các chính sách của Thành phố thích nghi với sự thay đổi, tận dụng cơ hội mới của nền kinh tế thế giới đang đi đúng hướng và phát huy tác dụng. Nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang hồi phục một cách ổn định, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.
Năm 2023 là năm có dấu ấn quan trọng đối với Thành phố khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố xác định việc triển khai thực hiện Nghị quyết là nhiệm vụ trọng yếu của toàn hệ thống chính trị. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã chủ động tham mưu chuẩn bị trước các kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết ngay khi Quốc hội vừa thông qua, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành các Nghị quyết chuyên đề nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, đồng thời tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết…
Năm 2023, Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức 5 kỳ họp và thảo luận, thông qua 249 Nghị quyết, trong đó có 6 Nghị quyết về tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố; hai Nghị quyết về tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và tăng tốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội.
"Việc thông qua và triển khai các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố để thực hiện Nghị quyết số 98 là đòn bẩy hết sức hiệu quả để Thành phố tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Nhiều Nghị quyết đem lại hiệu quả thiết thực ngay sau khi triển khai", ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, các cơ chế, chính sách đặc thù đang dần phát huy giá trị thực tiễn. Lãnh đạo Thành phố đã, đang tiếp tục tập trung triển khai các nội dung để đưa cơ chế chính sách vào cuộc sống phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tới đây, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ tiếp tục cùng đồng hành với Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan đẩy nhanh công tác tham mưu ban hành nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 98 nhằm sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách mà Quốc hội giao cho Chính phủ, bộ ngành quy định...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành, bước vào những tháng đầu tiên của năm 2023, Bắc Giang cũng như các địa phương khác trong cả nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, bước vào quý II, tỉnh đã chủ động tập trung các nguồn lực, tháo gỡ nhiều "nút thắt", "điểm nghẽn". Do đó, kinh tế Bắc Giang đã có sự phục hồi kể từ quý II với mức tăng trưởng cả năm đạt 13,45%, đứng đầu cả nước.
Năm 2023, HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ chuyên đề, đã quyết nghị ban hành 88 nghị quyết quan trọng, sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đúng quy định của pháp luật, giúp khơi thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới cho thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, đồng thời, tổ chức đánh giá toàn diện thực trạng, tình hình thi hành pháp luật, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nổi cộm thông qua hoạt động giám sát, kịp thời đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để đồng hành cùng UBND tỉnh khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế…
Tạo niềm tin của cử tri
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành cho biết, trong bối cảnh khó khăn, nhiều thách thức, có được những kết quả nổi bật như vậy là do HĐND tỉnh luôn xác định đúng vai trò, chức năng và vị thế trong việc quyết định những vấn đề quan trọng tại địa phương.
Các nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm phát triển kinh tế - xã hội chung của cả tỉnh cũng như quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phát triển của từng ngành, lĩnh vực đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh được ban hành sát với tình hình thực tiễn, phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội...
Một trong những nguyên nhân đưa tới thành công là công tác tổ chức và điều hành kỳ họp có nhiều đổi mới. Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh được tiếp tục đổi mới, nghiêm túc, thực chất, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả. Cùng với đó, hoạt động tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới, ngoài tiếp xúc cử tri thường lệ trước, sau các kỳ họp, tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để lấy ý kiến rộng rãi đến các đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách dự kiến ban hành, góp phần tăng tính hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành, nhất là nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù...
Đưa ra giải pháp nhằm nâng cao vai trò của HĐND tỉnh, thành phố, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, từ thực trạng tình hình hoạt động và kinh nghiệm thực tiễn, để tăng cường hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, phát rằng cần tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, khắc phục những hạn chế, tồn tại được kiến nghị qua giám sát; tiếp tục tái giám sát hoặc đưa những nội dung đó ra chất vấn tại kỳ họp thường lệ của HĐND để làm rõ trách nhiệm, để vấn đề được giải quyết thỏa đáng, tạo niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử. Đồng thời, tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức giám sát theo hướng chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng đổi mới từ việc xây dựng đề cương giám sát và báo cáo; quản lý, theo dõi có hiệu quả các kiến nghị sau giám sát.
Đặc biệt, cần rà soát, tổng hợp kỹ việc thực hiện các kết luận chất vấn, giải trình trước đó để làm rõ trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, việc thực hiện chức trách của các cơ quan có liên quan; nâng cao kỹ năng chất vấn cho đại biểu HĐND; thường xuyên tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức về quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu HĐND, chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng thảo luận, chất vấn, giải trình cho đại biểu HĐND, tránh tâm lý ngại va chạm của đại biểu…