Quảng Ninh: Tăng trưởng kinh tế đứng ở mức cao so với bình quân cả nước
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 23 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Vi Ngọc Bích nhấn mạnh: Năm 2024, bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn, phát sinh một số vấn đề vượt ngoài dự báo, gần đây nhất là bão số 3, song tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, thực tiễn địa phương, chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Đặc biệt, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đạt những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy có sụt giảm so với cùng kỳ, song vẫn cao hơn bình quân chung cả nước; thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 100% kế hoạch; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Tổng khách du lịch đạt 19 triệu lượt, tăng 20% cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, đạt được những kết quả nổi bật ở năm 2024 là nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; trong đó, có đóng góp quan trọng của HĐND, đại biểu HĐND các cấp. HĐND tỉnh khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, lựa chọn trúng những vấn đề quan trọng, bức xúc, được đông đảo cử tri, dư luận xã hội quan tâm để ra nghị quyết, đôn đốc thực hiện và kiểm tra giám sát.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, năm cuối cùng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2025, Quảng Ninh chọn chủ đề công tác năm là “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”.
Kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh khóa XV diễn ra trong 2 ngày (5 và 6/12), tập trung thảo luận xem xét 20 tờ trình để ban hành 20 nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình.
Trong đó, nhiều nghị quyết liên quan đến kế hoạch điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ngân sách và đầu tư công; quy chế quản lý kiến trúc đô thị; giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, phê duyệt số lượng người làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, quyết định số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã năm 2025; thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh và một số nội dung quan trọng khác…
Ưu tiên nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XIX diễn ra từ ngày 3-5/12, HĐND tỉnh Tuyên Quang nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết Phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025.
Theo đó, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình là 486,385 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương 466,542 tỷ đồng và vốn đối ứng ngân sách tỉnh 19,843 tỷ đồng.
Cụ thể, nguồn vốn được phân bổ chi tiết theo 8 dự án thành phần, gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt 18,561 tỷ đồng; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết 7,572 tỷ đồng; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền núi để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị 23,140 tỷ đồng; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc 328,319 tỷ đồng; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 64,338 tỷ đồng; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch 20,127 tỷ đồng...
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh Tuyên Quang thông qua nhiều dự thảo nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang năm 2025 với tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước dự kiến 86,155 tỷ đồng; Nghị quyết phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang năm 2025 với tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước dự kiến là 216, 299 tỷ đồng…
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo giá hiện hành ước đạt 50.744 tỷ đồng; tốc độ tăng GRDP ước đạt 9,02%, đây là mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh trong 10 năm gần đây. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 61,92 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ (giá so sánh năm 2010) tăng 9,38% so với năm 2023; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16% so với năm 2023; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,85% so với năm 2023; thu hút 2.887,5 nghìn lượt khách du lịch, đạt 105% kế hoạch; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.708 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, tăng 9% so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.099,9 tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, tăng 33,1% so với năm 2023…
Bầu bổ sung Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk
Ngày 5/12, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 9. Trong khuôn khổ chương trình kỳ họp, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã miễn nhiệm, bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Đắk Lắk thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Võ Văn Cảnh. Đồng thời bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Võ Văn Cảnh, Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Võ Văn Cảnh trúng cử với 100% số đại biểu có mặt tán thành. Ông Võ Văn Cảnh sinh năm 1966, quê quán xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; trình độ lý luận chính trị: Cử nhân; trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật.
Cũng tại kỳ họp, đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trương Công Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh. Ông Trương Công Thái trúng cử với 100% số đại biểu có mặt tán thành. Ông Trương Công Thái sinh năm 1969, quê quán tỉnh Quảng Bình; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; trình độ chuyên môn: Cử nhân kinh tế, Thạc sĩ Kinh tế phát triển.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung khẳng định, việc miễn nhiệm và bầu bổ sung một số chức danh của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhằm kiện toàn đầy đủ các chức danh Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh theo quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung mong muốn, các cán bộ lãnh đạo được bầu giữ chức vụ mới tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.