Kiều bào với Thành phố Hồ Chí Minh:

Tạo nền tảng phát triển khoa học công nghệ hiện đại

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước thời gian qua, với nhiều lĩnh vực mới được hình thành và phát triển mạnh mẽ như công nghệ nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ tính toán. Đồng hành với sự phát triển đó, có đóng góp rất lớn của những chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó nhiều kiều bào đã về ở hẳn để góp sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh với việc hỗ trợ đặt nền móng phát triển cho nhiều lĩnh vực mới.

Xác định khoa học công nghệ là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh rất coi trọng, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về phục vụ thành phố. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã liên lạc, kết nối mời gọi và tạo môi trường, điều kiện hoạt động phù hợp thu hút được gần 300 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới về hợp tác, làm việc dài hạn tại Thành phố. Để thu hút nhân lực này, một số sở ngành trên địa bàn đã vận dụng thực hiện một số chính sách cụ thể về bố trí, sử dụng trí thức này đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo của các cơ quan nghiên cứu khoa học như Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố. 

Năm 2003, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình (Việt kiều Canada) trở về Việt Nam để làm kinh doanh, nhưng “cơ duyên” đã đưa ông đến với dự án Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, Thành phố định hướng xây dựng một trung tâm nghiên cứu sinh học nhưng hướng đi chưa rõ ràng. Sau khi trao đổi với lãnh đạo Thành phố, với kinh nghiệm của một chuyên gia Sinh học phân tử, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình đã quyết định “chuyển hẳn” về Việt Nam để thực hiện dự án từ năm 2005 với chức danh Phó Giám đốc Trung tâm (có tổng vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD). 

Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm nghiên cứu hiện đại bậc nhất của Việt Nam về công nghệ sinh học với các phòng thí nghiệm nghiên cứu về genome, tế bào gốc, nano chuyên nạp gen thực vật, động vật... . Ảnh: Mạnh Linh /TTXVN


Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, dù dự án không hoàn thành đúng dự kiến sau 5 năm, nhưng kết quả thu được hiện nay là một nỗ lực rất lớn. Đây đã là trung tâm nghiên cứu hiện đại bậc nhất của Việt Nam về công nghệ sinh học với các phòng thí nghiệm nghiên cứu về genome, tế bào gốc, nano chuyên nạp gen thực vật, động vật... tương đương với các phòng thí nghiệm chuẩn của thế giới. Ngoài ra, Trung tâm cũng có các phòng thí nghiệm sản xuất pilot, xưởng sản xuất và đóng gói vaccine, khu thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng. 

Trong khi đó, trở về từ Nhật Bản với tư cách một chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của thế giới, Giáo sư Đặng Lương Mô là người góp công lớn cho việc hình thành và phát triển ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam. Sau một thời gian làm việc tại Việt Nam, Giáo sư Đặng Lương Mô đã đề xuất với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC). Đồng thời, ông là người góp công lớn khi thiết kế và chế tạo thử nghiệm thành công chíp vi xử lý 32 bit thương hiệu Việt mang tên VN1632. 

Giáo sư Đặng Lương Mô chia sẻ: “Đây là lĩnh vực mà bản thân hiểu biết và có nhiều kinh nghiệm, nên tôi có thể dốc sức góp phần xây dựng để có thể mang lại những thành tựu cụ thể. Thật ra, để dọn đường cho việc thành lập ICDREC, tôi đã có những hoạt động khác mang tính chuẩn bị từ trước đó gần chục năm và sau khi Trung tâm ra đời, tôi đã liên tục hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp”. 

Sự hỗ trợ của Giáo sư Đặng Lương Mô đến từ việc làm cố vấn, giúp hỗ trợ chuyên môn cũng như thông qua mối quan hệ cá nhân với những chuyên gia về vi mạch trên khắp thế giới, để phát triển ngành này tại quê hương. Từ đây, ngành vi mạch Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với đó lại một đội ngũ trong lĩnh vực này được đào tạo bài bản cho mục tiêu phát triển lâu dài. Nền tảng của ICDREC đã góp phần hình thành Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013- 2020, một lĩnh vực mới nhưng đã tạo được dấu ấn trong khu vực và trên thế giới. 

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã thực hiện nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ thu hút kiều bào về đóng góp xây dựng thành phố. Điển hình như năm 2007, thành phố thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán với mô hình thí điểm các giáo sư Việt kiều giữ chức vụ đồng Viện trưởng và Viện phó phụ trách khoa học và đào tạo, làm việc bán thời gian ở Viện, thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm ưu đãi đặc thù cho các nhà khoa học. 

Từ mô hình thí điểm thành công tại một số đơn vị sử dụng chuyên gia Việt kiều, năm 2014, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 5715 về quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại bốn đơn vị là Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán. Trong đó, quy định chuyên gia có thể được trả lương lên tới 150 triệu đồng/tháng. Đây được xem là “cơ chế đặc biệt”, mang tính đột phá về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố phục vụ nghiên cứu và phát triển kinh tế các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại. 

Tuy nhiên, để phát huy tốt nguồn lực này, các chuyên gia cho rằng, không chỉ đơn thuần là cơ chế về thu nhập, mà cần thêm những cơ chế khác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kiều bào cống hiến. Là một trong những Việt kiều đầu tiên được thành phố bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan nhà nước, với hơn 11 năm giữ vai trò Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình hiểu rõ những khó khăn cần tháo gỡ. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, huy động nguồn lực kiều bào là rất cần thiết cho phát triển khoa học công nghệ nước nhà. Tuy nhiên, cần tháo gỡ khó khăn để kiều bào khi trở về phát huy hết được năng lực của mình. Bên cạnh lực lượng trẻ, cần ưu tiên các chuyên gia có kinh nghiệm hoặc gần về hưu hoặc đã về hưu, vì nhu cầu vật chất của những người này ít hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn; đồng thời mời chuyên gia về làm chủ cho các chương trình dự án lớn và mạnh dạn trao trọng trách cho họ, không cần tính đến tuổi hưu như người Việt Nam.

Vũ Tiến Lực (TTXVN)
Tháo “nút thắt” ứng dụng khoa học công nghệ
Tháo “nút thắt” ứng dụng khoa học công nghệ

Đầu tư phát triển, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế quốc tế và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN