Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải nêu rõ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay. Trong tiến trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, qua các kỳ Đại hội, Đảng ta xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Với vai trò của mình, kinh tế nhà nước đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Long Hải nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước hết sức quan trọng, vừa làm đầu tàu dẫn dắt sự phát triển, vừa là công cụ kinh tế quan trọng để nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế đảm bảo đúng định hướng.
Hiện nay, bối cảnh mới cả trong và ngoài nước đang đặt ra không ít thời cơ lẫn thách thức cho khu vực kinh tế nhà nước. Theo đó, khu vực này cần phải tiếp tục khẳng định vị trí và phát huy vai trò chủ đạo của mình trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đồng thời hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi, làm rõ một số nhóm vấn đề như nhận thức lý luận về vai trò của kinh tế nhà nước nói chung và đối với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng nói riêng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Các nhà khoa học cho rằng, theo xu hướng phát triển, kinh tế nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm quy mô, tỷ trọng và phạm vi hoạt động trong nền kinh tế nhưng lại tập trung vào những lĩnh vực tối quan trọng, chủ đạo trong các ngành nghề chủ chốt, những ngành có tính chất tiên phong, đột phá về công nghệ có tác động lan tỏa và giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều nhiều cho ngân sách.
Từ đó, các nhà khoa học làm rõ thực trạng vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam hiện nay, nhất là trên cơ sở hoạt động thực tiễn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đánh giá những mặt được, hạn chế cùng các nguyên nhân, trên cơ sở yêu cầu của bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, với không gian tăng trưởng mới, chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay; đề xuất các giải pháp, kiến nghị để kinh tế nhà nước thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế...