Tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã góp ý với hai dự thảo nghị quyết, tập trung vào sự cần thiết, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn để ban hành chính sách tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Theo các đại biểu, cùng với việc Đảng ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết sẽ không chỉ tháo gỡ những "nút thắt" mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đại biểu Quốc hội Tp Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Góp ý cụ thể về các nội dung của dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, để thúc đẩy phát triển nhanh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, đón đầu các công nghệ mới, các công nghệ tương lai thì điều quan trọng nhất hiện nay là phải có cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay quy định của pháp luật chưa có hoặc mới chỉ đề cập chung chung; và đặc biệt là các trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng vẫn còn rườm rà, chưa có các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể và không đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57 của Trung ương.
Đại biểu đề xuất Quốc hội xem xét bổ sung một hoặc một số điều quy định cụ thể trong Nghị quyết về trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ bằng nguồn ngân sách nhà nước và cơ chế đầu tư kết hợp giữa ngân sách nhà nước với vốn ngoài nhà nước cùng các nguồn vốn hợp pháp khác; trình tự, thủ tục quản lý, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng Nhà nước đã đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ...
Đại biểu Quốc hội Tp Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Góp ý về cơ chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao trong các cơ chế tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khoa học công nghệ nêu trong dự thảo Nghị quyết là cơ chế khoán chi. Cơ chế này giúp các nhà khoa học không còn phải tìm cách gỡ rối và thời gian để chi cho việc hành chính đó còn nhiều hơn hoạt động nghiên cứu.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội trong dự thảo Nghị quyết không chỉ giải quyết vấn đề khoán chi mà cần xem xét bỏ tất cả những quy định liên quan đến đấu thầu trong nghiên cứu khoa học công nghệ, như đấu thầu lựa chọn đề tài để chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và khoán chi.
Cho rằng các cơ quan nghiên cứu được lập các doanh nghiệp để chuyển giao các kết quả nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, đại biểu nhấn mạnh, điều này mới tránh được tình trạng đề tài nghiên cứu xong lại bỏ vào tủ. Tuy nhiên, không phải kết quả nghiên cứu nào cũng có thể chuyển thành kết quả ứng dụng thông qua doanh nghiệp bởi phải trải qua rất nhiều quá trình nghiên cứu chắp nối lại mới có thể trở thành ứng dụng trong doanh nghiệp. Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, nhà khoa học có quyền thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình có thể không thể ứng dụng cho doanh nghiệp, nhưng có thể bán để các cơ quan, đơn vị khác mua về tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng sau.
Đại biểu Quốc hội Tp Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cần làm cơ chế chính sách về thương mại hóa nghiên cứu khoa học công nghệ, qua đó biến kết quả nghiên cứu khoa học thành một loại hàng hóa đặc biệt, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống của các nhà khoa học cũng như mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Một nội dung trong dự thảo Nghị quyết được một đại biểu quan tâm thảo luận là cơ chế miễn trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học...
Đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình quy định này, đồng thời đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần nêu rõ, khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu đề tài đã đăng ký mà không đạt được hiệu quả thì không phải trả lại kinh phí.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ là hoạt động có tính rủi ro cao, đề nghị bên cạnh quy định miễn trách nhiệm dân sự khi xảy ra thiệt hại với nhà nước, thì cần phải miễn trách nhiệm dân sự đối với cả tổ chức, cá nhân khi làm thiệt hại cho cả nhà nước và tổ chức, cá nhân khác. Trong hợp đồng thương mại khi gây thiệt hại cũng phải miễn trách nhiệm.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, không phải đề tài, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cũng có thể áp dụng cơ chế miễn trừ trách nhiệm, do vậy, qua quá trình thực hiện Nghị quyết sau này cần có đánh giá, rà soát những bất cấp, hạn chế khi áp dụng cơ chế này, đảm bảo cho cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả, tạo sự an tâm cho các nhà khoa học.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng giải trình các câu hỏi của các đại biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Phát biểu làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ và tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.
Về tên gọi của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề xuất tên gọi mới là Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo sự phát triển đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ trưởng khẳng định, Nghị quyết thí điểm không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, nhất là khi Nghị quyết được chuẩn bị trong một thời gian ngắn, nên tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội, về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, đánh trúng vào các điểm nghẽn kéo dài, các vấn đề cấp bách.
Cùng với Nghị quyết, để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số và tiếp theo là các luật liên quan khác.
Theo Bộ trưởng, một trong những chính sách rất mạnh mẽ trong Nghị quyết của Quốc hội là cơ chế cho phép thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, Nhà nước sẽ thu được thuế, tạo ra công ăn, việc làm, đất nước có trình độ khoa học công nghệ cao hơn. Đây cũng là cách gián tiếp Nhà nước thu hồi các khoản chi đầu tư cho khoa học công nghệ. Các đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến đều đồng tình ủng hộ chính sách này và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu một ý kiến góp ý để hoàn thiện chính sách này rõ nét hơn.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay chi cho nghiên cứu phát triển mới chỉ được 0,5% GDP, tương ứng với 1/4 so với mục tiêu 2%. Trong 2% GDP này, chi cho doanh nghiệp phải chiếm 70%-80% nhưng hiện nay, doanh nghiệp mới chỉ nhận được khoảng 20.000 tỷ đồng/năm, đạt được 1/6 so với mục tiêu. Doanh nghiệp tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới có tác động ngay đến phát triển kinh tế xã hội nên rất cần chính sách, cơ chế đột phá để kích thích doanh nghiệp.