Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 3. Qua thảo luận, về cơ bản các ý kiến nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật, tuy nhiên đại biểu Quốc hội còn có ý kiến vào một số vấn đề của dự thảo Luật. Vì vậy, Quốc hội đã thống nhất xem xét thông qua dự án Luật tại 3 kỳ họp.
Đại biểu Quốc hội các tỉnh Lạng Sơn, Ninh Bình, Ninh Thuận, Đồng Nai thảo luận ở tổ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Mở rộng phạm vi tố cáo Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 72 điều (tăng thêm 8 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tháng 5/2017 và tăng thêm 22 điều so với Luật hiện hành).
Ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên họp tổ đánh giá đây là dự án Luật quan trọng, có tính chất phức tạp, cần được nghiên cứu sâu thêm, có lý giải thuyết phục để có thể giải quyết một cách hợp lý các vấn đề vướng mắc của thực tiễn đang đặt ra.
Trong đó cần chú trọng việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền tố cáo. Đối với những nội dung mới đã được chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước nhưng vẫn còn có ý kiến khác nhau cần phải được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi để sau khi Luật ban hành việc tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.
Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng , Luật Giao dịch điện tử, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức… để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật có một số nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết , đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo Nghị định trình đồng thời với dự án Luật để bảo đảm văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật.
Nhiều ý kiến tán thành với việc sửa đổi giải thích về tố cáo như thể hiện tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật theo hướng nêu rõ đây là việc của cá nhân (thay vì của công dân như Luật hiện hành) và xác định cụ thể hai loại tố cáo là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Quy định như vậy là đã mở rộng phạm vi tố cáo, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn giải quyết tố cáo hiện nay.
Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị cần quy định cả tổ chức cũng có quyền tố cáo với lý do trước đây Luật chưa quy định tổ chức được tố cáo vì không xác định được trách nhiệm pháp lý đối với tổ chức trong các trường hợp cố ý tố cáo sai.
Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Hình sự cũng đã có quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì việc quy định tổ chức có quyền tố cáo (cũng như tổ chức đã có quyền khiếu nại) là một vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét.
Nghiên cứu hình thức tố cáo phù hợp Về hình thức tố cáo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy định hai hình thức tố cáo như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp (khoản 1 Điều 19), nhưng có bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra (Điều 22).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Qua thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Vũ Thị Thủy (Hải Dương) đồng tình quy định 2 hình thức tố cáo như trong dự thảo Luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để tránh tình trạng tố cáo trào lan, lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác, gây phức tạp trong công tác tiếp nhận, xử lý ban đầu.
Không đồng quan điểm, đại biểu Lữ Thanh Hải (Khánh Hòa) và một số ý kiến khác đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại và các hình thức khác để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp, phản ánh thông tin về hành vi vi phạm pháp luật, tránh bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ thông tin và tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử...
Theo đại biểu Lữ Thanh Hải, dù tố cáo dưới hình thức nào thì cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, đây là điều kiện cần để thụ lý giải quyết; cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo phải có căn cứ, có cơ sở để xác minh, kết luận.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phân tích sau khi tố cáo bằng thư điện tử, người đó phải tiếp tục cung cấp các thông tin có liên quan về nội dung mình tố cáo và chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền về vấn đề tố cáo để giải quyết.
Do vậy, nên bổ sung thêm các hình thức tố cáo qua thư điện tử nhưng luật cũng cần quy định chặt chẽ để tránh việc có rất nhiều vấn đề sẽ phản ánh qua thư điện tử- đại biểu đề xuất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với việc bổ sung thêm hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax và nêu quan điểm vấn đề quan trọng là thông tin, nội dung của tố cáo ra sao, việc này nơi tiếp nhận thông tin phải tiến hành xác minh.
Một số ý kiến đánh giá việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của hai hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Vì vậy, nếu dự thảo Luật theo hướng quy định tố cáo có thể thực hiện bằng đơn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền Hiến định và cũng thống nhất với quy định của một số luật hiện hành, như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự đều có quy định về việc tiếp nhận tố cáo, tố giác, tin báo tội phạm qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin khác; Luật Giao dịch điện tử cũng đã quy định về giá trị của văn bản điện tử và chữ ký điện tử.
Đề nghị không quy định thời hiệu tố cáo
Thảo luận về thời hiệu tố cáo, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định thời hiệu tố cáo để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát hiện, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, tránh tình trạng bỏ sót, bỏ lọt.
Các ý kiến cho rằng thời hiệu xử lý đối với mỗi loại hành vi vi phạm trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước đã được quy định trong các luật khác, không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự Luật này. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm nhằm tạo điều kiện cho người dân đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm.
Do đó, dự thảo Luật Tố cáo không nên quy định về thời hiệu tố cáo mà chỉ nên quy định nguyên tắc không thụ lý đối với tố cáo về hành vi vi phạm đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm. Các ý kiến cho rằng nếu quy định về thời hiệu tố cáo như phương án 1 của dự thảo Luật theo hướng thời hiệu tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là 5 năm, kể từ ngày có hành vi vi phạm; thời hiệu tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước là 3 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm thì Chính phủ cần giải trình rõ hơn cơ sở của việc lựa chọn thời hiệu là 5 năm hay 3 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thực tiễn có những trường hợp dù hành vi vi phạm pháp luật xảy ra đã lâu, nhưng hậu quả của hành vi đó vẫn chưa được khắc phục hoặc vẫn đang gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (ví dụ như việc sử dụng bằng cấp giả để bảo đảm tiêu chuẩn trong bổ nhiệm cán bộ, công chức, việc cấp giấy tờ, chứng nhận sai cho tổ chức, cá nhân…); việc quy định thời hiệu cứng như trên là chưa phù hợp.
Xác định trách nhiệm của cán bộ đã nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức
Về phạm vi điều chỉnh, tại Điều 1, Điều 12 của dự thảo theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức).
Vì Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức chưa có quy định về việc xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi họ đang là cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, để thống nhất với Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức, dự thảo Luật không quy định về vấn đề này.
Nhiều đại biểu cho rằng: Tuy không ghi ngay tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh nhưng việc quy định rõ trong Luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức là phù hợp.
Đây là nội dung bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức. Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) phân tích mặc dù hành vi bị tố cáo được thực hiện trong thời gian người đó là cán bộ, công chức nhưng đến thời điểm tố cáo thì không còn là cán bộ, công chức, viên chức trong đó có thể là người đó đã nghỉ hưu. Về nguyên tắc trong luật vẫn xử lý.
Quy định này phù hợp với thực tiễn hiện nay là Đảng, Nhà nước đã chủ trương và xử lý trong thực tế nhiều trường hợp, bao gồm cả cán bộ công chức có chức vụ cao, có vi phạm pháp luật trong thời gian đương chức, nay được phát hiện thì vẫn xử lý.