Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII: Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố cáo

Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố cáo.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Lê Thị Nguyệt phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Dự án Luật Tố cáo đã được trình Quốc hội khóa XII thảo luận, cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Các nội dung chính được tiếp thu, chỉnh lý là về phạm vi điều chỉnh; chủ thể tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo; tố cáo tiếp; bảo vệ người tố cáo; giám sát công tác giải quyết tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan thông tin, báo chí. Trong đó, công tác bảo vệ người tố cáo và hình thức tố cáo là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), bảo vệ người tố cáo là một chế định mới nhưng vẫn thiên về hình thức mà chưa có những biện pháp thực sự hữu hiệu.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh sự cần thiết phải có những biện pháp bảo vệ hữu hiệu bởi thực tế, người tố cáo có thể bị trả thù, trù dập, gây ảnh hưởng về sức khỏe, nhân phẩm và tính mạng. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, cần quy định người giải quyết tố cáo có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận định, công tác bảo vệ người tố cáo hết sức khó khăn, phức tạp, cần có cơ chế hữu hiệu, coi đây là nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đại biểu đề nghị: Việc bảo vệ phải được quy định ngay trong luật cho dù người tố cáo là ai và có yêu cầu hay không; bỏ quy định gửi văn bản yêu cầu về việc cần được bảo vệ để không làm khó cho người tố cáo; bổ sung một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ người tố cáo. Mặt khác, không chỉ người tố cáo mà cả người thân thích của họ, người cung cấp thông tin cho họ cũng cần được bảo vệ. Qua một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) đề nghị cần thể hiện rõ thêm quyền của người bị tố cáo bởi thiệt hại xảy ra đối với người bị tố cáo có thể là do hành vi tố cáo sai sự thật hoặc là hậu quả của quá trình giải quyết tố cáo thiếu thận trọng hay có sai lầm…

Dự thảo Luật giữ nguyên quy định như Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành là chỉ có hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo. Quy định này nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu. Các đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Trần Xuân Hùng (Hà Nam), Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp)... đề nghị bổ sung hình thức gửi đơn tố cáo qua thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại kèm theo những quy định chặt chẽ, bởi đây là hình thức hữu ích, hiệu quả. Tiêu biểu như việc cung cấp thông tin qua “đường dây nóng” nhiều năm nay rất hiệu quả, kịp thời. Mặt khác, những hình thức này đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng.

* Chiều 25/10, QH đã nghe các báo cáo: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác đặc xá; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các nội dung trên.

Năm 2011, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, lực lượng công an đã làm tốt vai trò nòng cốt, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể tăng cường các biện pháp phòng ngừa, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; triển khai nhiều kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm theo chuyên đề, hệ loại đối tượng, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Lực lượng công an đã thực hiện tốt việc tấn công, trấn áp tội phạm có tổ chức, băng nhóm; tội phạm có yếu tố nước ngoài; tội phạm sử dụng vũ khí nóng và vũ khí tự tạo gây án; tội phạm chống người thi hành công vụ… Quá trình điều tra, xử lý các đối tượng, vụ việc đã chấp hành đúng quy định của pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong việc xác định tội danh, đề xuất hình thức xử lý, truy tố, xét xử.

Cũng trong năm 2011, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục có chuyển biến tốt. Chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực hoạt động kiểm sát được nâng cao. Phối hợp với các cơ quan tố tụng ở Trung ương và địa phương được tăng cường, đã xây dựng quy định phối hợp liên ngành trong nhiều lĩnh vực, tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp được dư luận nhân dân quan tâm. Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, tòa án các cấp đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử, trong đó có nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy… Hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh, đúng người đúng tội, đúng pháp luật, qua đó góp phần tích cực vào việc đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Hôm nay, QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về các nội dung trên.

TTN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN