Tạo cú hích để huy động nguồn lực xã hội

Chiều 27/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các nội dung liên quan đến tài chính quốc gia, nợ công, đầu tư trung hạn... Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội xung quanh nội dung này.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh): Dùng ngân sách nhà nước làm "vốn mồi” thu hút đầu tư

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Chính phủ xây dựng Kế hoạch tài chính Quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch vay, trả nợ trung hạn khá toàn diện và cụ thể; trong đó, tỷ lệ huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển của giai đoạn này ước vào khoảng 32 - 34% GDP.

Giai đoạn vừa qua, trong xu thế huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư, nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân tham gia có xu thế tăng, từ 36 - 37% lên 45%. Cùng đó, huy động vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng từ 19% lên hơn 20%. Trong khi đó, khu vực vốn đầu tư nhà nước thì giảm từ 38% xuống còn 33,7%. Theo tôi, đây là xu thế tương đối vững chắc, thể hiện sự huy động nguồn lực đúng mục tiêu, định hướng là nguồn vốn nhà nước sẽ chỉ đóng vai trò “vốn mồi” trong thu hút vốn cho đầu tư phát triển.

Trong cơ cấu chung, hiện khu vực kinh tế tư nhân vẫn chiếm tỷ trọng cao, 33,7% trong cơ cấu đầu tư của 3 khu vực. Thời gian tới, ngoài việc huy động vốn thông qua các phương thức đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP), tôi đề xuất Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong huy động các nguồn lực thông qua chủ trương xã hội hóa.

Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư có hiệu lực và tại Điều 16 của Nghị định này đã có quy định được lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, đến nay, các bộ, ngành vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Đặc biệt là trong việc huy động các nguồn lực cho một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa, thể dục - thể thao.

Do đó, cùng với nguồn “vốn mồi” của nhà nước, để huy động thêm nguồn lực từ xã hội, tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam, các bộ, ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian nhất, nhất là khi bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất hạn chế.

Đối với chi phí đầu tư cho các dự án kết nối vùng cần được ưu tiên và phải đảm bảo tính thực thi. Các dự án này phải tạo được động lực cho các vùng phát triển; trong đó, có vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, Trung ương cần có sự chia sẻ với các tỉnh, thành phố trong vùng này ngay từ khâu đền bù giải phóng mặt bằng để các địa phương có thể cân đối, thu xếp nguồn lực sớm triển khai thực hiện dự án. Điển hình là các dự án vành đai 3, 4 và dự án kết nối vùng như Tây Ninh - TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh - Bình Phước.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng): Tách giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án

Việc dùng nguồn vốn đầu tư công trung hạn của ngân sách nhà nước là cú hích để huy động nguồn lực tổng hợp của xã hội để triển khai các dự án rất hiệu quả, nhất là đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Điển hình tại Lâm Đồng và Đồng Nai, vừa qua, trên cơ sở nguồn vốn trung hạn 2.000 tỷ đồng được ngân sách nhà nước phê duyệt, tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã xúc tiến đầu tư, thu hút được 13.000 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn góp của địa phương, nhà đầu tư để thực hiện dự án đoạn cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Hiện địa phương đã trình Bộ Giao thông Vận tải đề án tiền khả thi dự án này, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án này sẽ tiến hành các bước chuẩn bị tiếp theo. Dự kiến, đầu năm 2022, dự án sẽ chính thức thi công.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề thu hút vốn, để đẩy nhanh tiến độ các dự án này, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội tách toàn bộ hợp phần giải phóng mặt bằng, tái định cư của công trình liên quan đến đường cao tốc chuyển về chủ đầu tư là địa phương để từ đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc tiến hành giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở mã hoá bản đồ địa chính, địa phương sẽ dễ dàng phân định đất nông – lâm, đất trồng lúa – trồng rừng để định giá đền bù chính xác, nhanh chóng chi trả tiền đền bù cho người dân, sớm tiến hành thi công dự án. Nếu Chính phủ áp giá hiện nay trong khi đó hàng năm địa phương lại tăng giá đất theo quyết định của UBND, HĐND địa phương sẽ tạo độ vênh giữa giải phóng mặt bằng, tái định cư. Lúc đó, thời gian để giải phóng mặt bằng, tái định cư kéo dài, lãng phí nguồn lực xã hội.

Ngoài ra, đối với dự án giao thông toàn tuyến, khi hoàn thành tuyến 1 rồi Quốc hội nên giao quyền chủ động phân bổ nguồn vốn các tuyến tiếp theo cho Thủ tưởng Chính phủ. Theo đó, bên cạnh nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho việc thực hiện tuyến 1 cần có nguồn vốn dự phòng cho tuyến tiếp theo. Nói cách khác, dự án trước hoàn thành sẽ tiếp tục dùng ngân sách nhà nước để mồi vốn cho việc xây dựng, chuẩn bị hồ sơ dự án sau, không phải trình Quốc hội sử dụng đến nguồn dự phòng gây mất thời gian.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông): Bảo đảm nguồn thu từ cổ phần hóa

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nguồn thu từ sắp xếp lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập và nguồn thu từ thoái vốn nhà nước đóng đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Đây chính là nguồn lực góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, theo tôi, hoạt động sắp xếp lại, cổ phần và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hiện còn chậm, khoản thu từ hoạt động này còn thấp. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan; trong đó, không thể phủ nhận thực tế, nếu doanh nghiệp hoạt động tốt thì dễ cổ phần hoá nhưng trong thời điểm này, hoạt động của các doanh nghiệp nói chung đều khó khăn.  

Tôi cho rằng, để bảo đảm nguồn thu từ hoạt động sắp xếp lại, cổ phần và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cần phải tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế. Hiện Nghị định của Chính phủ đang siết lại khi gắn định giá cổ phần hoá với  phương án sử dụng đất. Nghĩa là khi tiến hành định giá để cổ phần hoá thì phải có phương án sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào thì chưa ai trả lời được. Trong khi đó, cổ phần hoá liên quan rất nhiều đến định giá tài sản, đặc biệt là đất đai mà cụ thể là phương án sử dụng đất đai sau cổ phần hoá.

Ngoài ra, Luật Ngân sách nhà nước hiện hành quy định, doanh nghiệp cổ phần hoá trên địa bàn của địa phương nào hay thuộc quyền quản lý của địa phương nào thì nguồn thu sẽ phân cấp cho địa phương đó. Nhưng thời gian qua, có tình trạng nguồn thu cổ phần hoá doanh nghiệp như tại TP Hồ Chí Minh thì Trung ương lại muốn thu. Sau đó, Quốc hội phải ban hành nghị quyết giao lại nguồn thu này cho TP Hồ Chí Minh, đơn cử đối với dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh. Việc này cần xem xét, vì Luật do Quốc hội quy định số tiền sau cổ phần hoá thuộc về địa phương được giữ lại nhưng vẫn phải ban hành nghị quyết giao lại nguồn thu cho TP Hồ Chí Minh.

Tình trạng này khiến cho các địa phương mất động lực trong việc tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của các địa phương, từ đó không bảo đảm tiến độ nguồn thu ngân sách. Thời gian tới, Chính phủ cần sớm giải quyết vấn đề này, tạo động lực thúc đẩy các địa phương tiến hành nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo đúng theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ trong thời gian tới.

Thu Hằng - Diệp Anh/TTXVN (thực hiện)
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025​
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025​

Chiều muộn 27/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 475/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,19% tổng số đại biểu Quốc hội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN