Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên thông tin tại buổi họp báo.
Củng cố vững chắc chính sách đại đoàn kết dân tộc
Chủ trì và thông tin tại buổi gặp mặt, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên cho biết, ngày 24/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Về những nội dung mới, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người gốc Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 và nhân lực chất lượng cao là người gốc Việt và người nước ngoài như các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học… là những người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có lợi cho Nhà nước Việt Nam. Các quy định thuận lợi như được miễn điều kiện về ngôn ngữ, thời gian cư trú và khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam; có thể nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam, đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài, có thể lựa chọn tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài.
Bên cạnh đó, Luật đã mở rộng đối tượng được trở lại quốc tịch Việt Nam, cho phép các trường hợp mất quốc tịch Việt Nam theo Điều 26 của Luật Quốc tịch, chỉ cần có đơn xin trở lại quốc tịch thì được xem xét giải quyết.
Các trường hợp xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài phải đáp ứng hai điều kiện và được Chủ tịch nước cho phép. Đó là: Việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó; không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật cũng quy định cho phép người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài, không bắt buộc phải lấy tên gọi Việt Nam trước đây mà có thể lựa chọn tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài.
Về một số quy định liên quan khác, Luật bổ sung thẩm quyền cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp người xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài.
Đối với trẻ em là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (trước đây không thể đăng ký khai sinh và lựa chọn quốc tịch Việt Nam tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), Luật đã giao cho Chính phủ hướng dẫn theo hướng sẽ cho phép trẻ em lai được lựa chọn quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, việc giữ quốc tịch nước ngoài phải phù hợp với pháp luật của nước mà trẻ mang quốc tịch.
Đồng thời, bỏ Phiếu Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp trong thành phần hồ sơ xin nhập/xin trở lại/xin thôi quốc tịch Việt Nam vì Luật đã quy định việc xác minh nhân thân đối với tất cả các trường hợp này (trừ một số trường hợp miễn xác minh về nhân thân tại Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam).
Đối với Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong thời gian cư trú ở nước ngoài, người yêu cầu vẫn phải nộp trong hồ sơ xin nhập/xin trở lại quốc tịch Việt Nam để chứng minh có nhân thân tốt, đáp ứng điều kiện không làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam. Đồng thời đổi tên “Phiếu lý lịch tư pháp” thành “Giấy tờ chứng minh thông tin lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phù hợp với pháp luật của nước đó” bảo đảm tính linh hoạt, tạo thuận lợi cho người yêu cầu.
Luật đã bổ sung việc hủy bỏ Quyết định cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp người xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam có hành vi vi phạm quy định tại Điều 33; bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đại diện, Tòa án trong việc lập hồ sơ kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam tại Điều 34; sửa đổi, bổ sung quy định về quốc tịch của con chưa thành niên khi có sự thay đổi về quốc tịch của cha, mẹ tại Điều 35, Điều 36.
Liên quan đến trình tự giải quyết hồ sơ xin nhập/xin trở lại/xin thôi quốc tịch Việt Nam, Luật bổ sung quy định cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất việc giải quyết hồ sơ xin nhập/xin trở lại/xin thôi quốc tịch Việt Nam về Bộ Tư pháp (không qua Bộ Ngoại giao) để bảo đảm cắt giảm quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, việc Luật Quốc tịch sửa đổi “nới lỏng” các quy định cho nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam; đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài thể hiện sự thay đổi lớn, bước đột phá trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bỏ đi các rào cản, mở ra các cơ hội giúp kiều bào nhanh chóng trở về với cội nguồn, quê hương, đất nước, gắn kết với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam tạo động lực mạnh mẽ để khuyến khích, thu hút các nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia đóng góp xây dựng phát triển đất nước; góp phần quan trọng củng cố vững chắc chính sách đại đoàn kết dân tộc, gắn kết cộng đồng hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 100 triệu đồng bào ở trong nước, đồng lòng, chung tay xây dựng, phát triển đất nước hoàn thành thắng lợi hai mục tiêu 100 năm, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khơi dậy tinh thần cống hiến, đổi mới, sáng tạo của kiều bào
Thông tin về một số điểm mới, nổi bật của Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết, lần đầu tiên, “đổi mới sáng tạo” được pháp điển hóa như một lĩnh vực độc lập, có vị thế tương đương với khoa học và công nghệ trong hệ thống pháp luật quốc gia. Đây là bước chuyển nhận thức quan trọng, thể hiện quan điểm coi đổi mới sáng tạo là chuỗi hoạt động liền mạch, từ hình thành ý tưởng, thử nghiệm đến ứng dụng vào thực tiễn và thương mại hóa.
Luật thiết lập cơ chế “thử nghiệm có kiểm soát” (sandbox), một công cụ pháp lý mới cho phép triển khai các mô hình, công nghệ hoặc chính sách mới trong khung thời gian và phạm vi giới hạn. Cách làm này tạo điều kiện để các sáng kiến công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ y tế và giáo dục số được vận hành trong môi trường pháp lý an toàn trước khi áp dụng rộng rãi. Đồng thời, Luật cũng lần đầu tiên quy định chính sách khuyến khích nghiên cứu mạo hiểm thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chính sách chia sẻ rủi ro, đầu tư mạo hiểm và các cơ chế tài chính đặc thù khác. Luật thể hiện rõ nguyên tắc bảo vệ nhà khoa học và tổ chức chủ trì khi thực hiện đúng quy trình và quy định pháp luật, dù kết quả có thể không như kỳ vọng. Điều này góp phần nuôi dưỡng tinh thần dấn thân, sáng tạo và sẵn sàng thử nghiệm.
Một trong những điểm nhấn về đổi mới thể chế là việc chuyển đổi mạnh từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, tập trung vào minh bạch hóa quy trình, đánh giá kết quả và quản lý rủi ro thay vì can thiệp sâu vào hoạt động ban đầu. Cách tiếp cận này phù hợp với đặc trưng linh hoạt và thử nghiệm liên tục của lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Luật thiết lập cơ sở pháp lý thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và bảo hộ các hình thức chuyển giao công nghệ. Quyền sở hữu hoặc phân chia lợi ích kinh tế từ kết quả nghiên cứu được bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân theo mức độ đóng góp; qua đó khuyến khích sự tham gia chủ động từ phía nhà khoa học và doanh nghiệp. Đặc biệt, Luật đã tháo gỡ điểm nghẽn kéo dài nhiều năm liên quan đến cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.
Cụ thể, tổ chức chủ trì được giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu mà không cần xin phép lại cơ quan cấp trên. Nhà khoa học được phép nhận lợi ích kinh tế trực tiếp từ sản phẩm trí tuệ. Đây là bước tiến quan trọng giúp thúc đẩy ứng dụng thực tiễn và tăng tính minh bạch trong quản lý tài sản trí tuệ. Đồng thời, Luật tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thương mại hóa với các công cụ như sàn giao dịch công nghệ, tổ chức định giá tài sản trí tuệ, các trung tâm hỗ trợ chuyển giao... giúp kết nối hiệu quả giữa nghiên cứu và sản xuất-kinh doanh.
Luật đã xác lập nền tảng số và hệ thống thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia với mục tiêu tăng cường kết nối dữ liệu giữa các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Việc cập nhật dữ liệu định kỳ trở thành trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách công. Đồng thời, khu vực ngoài nhà nước cũng được khuyến khích đóng góp thông tin theo nguyên tắc tự nguyện và minh bạch, qua đó mở rộng kho dữ liệu mở phục vụ cộng đồng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của kiều bào như cơ chế sandbox, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu khoa học, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chú trọng hơn sự tham gia của khu vực tư nhân..., được cộng đồng hoan nghênh và đánh giá cao, chắc chắn sẽ khơi dậy tinh thần cống hiến, đổi mới, sáng tạo của kiều bào, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tiếp tục cụ thể hóa những nội dung của Luật để sớm đưa vào cuộc sống, đồng thời phối hợp rà soát với các luật và văn bản pháp lý khác để bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán trong triển khai.
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút nguồn lực của kiều bào cần linh hoạt, không nhất thiết phải về nước làm việc mới là đóng góp, mà những đóng góp từ xa như trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, kết nối, chuyển giao công nghệ cũng rất đáng quý. Thời gian tới, trong quá trình cụ thể hóa Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ nhấn mạnh hơn vấn đề này với các cơ quan liên quan để tạo cơ chế thuận lợi cho kiều bào chưa có điều kiện về nước làm việc có thể đóng góp cho đất nước, như cơ chế đặt hàng các chuyên gia, trí thức kiều bào trong việc xây dựng các đề án/đề tài hỗ trợ trong nước chuyển giao khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực trong một số lĩnh vực mũi nhọn.