Tạo chính sách để “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông”

Sau 1 năm thực hiện đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT), nhiều ý kiến cho rằng: Đề án vẫn đang ở trong giai đoạn đầu và mới chỉ ở mức “vận động hành lang”. Chính vì vậy, tại Hội thảo Quốc gia về CNTT-TT Việt Nam do Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức cuối tuần qua ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo: Cần phải có chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án này.

Tháo gỡ khó khăn

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân-Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT cho rằng: Có nhiều lý do khách quan đã khiến việc triển khai Đề án chưa đạt hiệu quả như mong muốn. "Hầu hết nội dung chương trình, dự án đã “chạy” từ trước khi Đề án được chính thức phê duyệt. Các Bộ TT-TT, Kế hoạch và Đầu tư và Tài chính cần xem lại các chính sách của những chương trình để có hoạch định tổng thể về chính sách, xác định rõ những chính sách hiện có, những khâu nào đang bị cản trở, những điểm nào cần Nhà nước hỗ trợ và hỗ trợ như thế nào...", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Tú - TTXVN


Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT-TT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng một bộ tài liệu khẳng định khả năng đóng góp của CNTT đối với đời sống, sản xuất kinh doanh, cũng như hoạt động quản lý nhà nước. Bởi nhiều khi lãnh đạo không quan tâm đúng mức tới CNTT vì không đủ thông tin cần thiết về tiềm năng, cách thức phát triển và ứng dụng CNTT-TT. Bộ TT-TT và Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT cần cân nhắc thành lập Ban Điều hành chuyên điều phối hoạt động triển khai Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT để đảm bảo hiệu quả cho việc triển khai.

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Nguyễn Trọng Đường- Vụ trưởng Vụ CNTT kiêm Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT cho biết: Năm qua, Bộ TT-TT và các địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai, đặc biệt trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của CNTT-TT và tầm quan trọng của Đề án.

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Không nên đầu tư trùng lắp Bộ TT-TT và Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT cần tăng cường điều hành các chương trình ứng dụng và phát triển CNTT giữa các bộ, ngành và địa phương nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tập trung và không bị trùng lắp, lãng phí vì hiện nay một số dịch vụ hành chính công trực tuyến đã đầu tư trùng lắp giữa bộ và tỉnh như: đăng ký kinh doanh, cấp phép lái xe. Lâm Đồng là tỉnh còn nhiều khó khăn với khả năng về tài chính hạn chế (thu chưa đủ bù chi), để đẩy mạnh đầu tư ứng dụng CNTT tôi cho rằng cần thiết phải có sự hỗ trợ thêm kinh phí hàng năm từ ngân sách trung ương (ngoài số kinh phí hỗ trợ hàng năm trong kế hoạch quốc gia về ứng dụng và phát triển CNTT cho các tỉnh khó khăn về ngân sách). Ông Trần Hữu Giã – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam): Tăng cường sử dụng CNTT trong dạy và học Để thực hiện thành công việc ứng dụng CNTT trong nhà trường phổ thông hiện nay, tôi cho rằng: Nhà nước cần có chính sách hợp lý để có được số lượng máy tính cần thiết phục vụ cho việc dạy học của nhà trường và ở gia đình của học sinh. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, theo tôi tốt nhất là mỗi trường đều được trang bị máy tính giá rẻ với cấu hình chủ yếu để phục vụ cho việc học tập tại trường phổ thông; có lộ trình từng bước thay thế sách giáo khoa in bằng sách giáo khoa điện tử.

Theo ông Đường, Đề án đã có nhiều tác động tích cực trong việc định hướng chiến lược phát triển CNTT-TT trong giai đoạn tới; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CNTT – TT; quảng bá hình ảnh, thương hiệu CNTT-TT Việt Nam đến với CNTT thế giới, từ đó tạo lòng tin và thu hút các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia đầu tư vào lĩnh vực CNTT tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Đường cũng cho rằng: Năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 việc thực hiện đề án sẽ còn nhiều khó khăn, nhất là về tài chính.

“Mặc dù Đề án được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2010 nhưng hầu hết các cơ quan đã không kịp xây dựng và đăng ký kế hoạch kinh phí năm 2011… Chúng tôi đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ này đang có tờ trình Chính phủ và Quốc hội để phê duyệt các dự án đầu tư, từ đó mới có thể phân bổ ngân sách để triển khai cụ thể”, ông Đường nói.

Ông Hồ Minh Đức- Công ty cổ phần dịch vụ CNTT Naiscorp cũng bày tỏ nguyện vọng: Đề án cần có những định hướng chiến lược cụ thể; cần hỗ trợ về tài chính và pháp lý để các doanh nghiệp phần mềm trong nước và nước ngoài cạnh tranh được bình đẳng, đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT-TT

Để thực hiện đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, ông Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng CNTT-TT.

Theo ông Ân, hiện nay, hạ tầng thông tin và truyền thông Việt Nam phát triển nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, độ phủ sóng của mạng viễn thông không đồng đều. Mật độ băng rộng vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. CNTT ở Việt Nam mới chỉ được quan tâm phát triển trong vai trò như một ngành công nghiệp chứ chưa được phát triển như một ngành hạ tầng phục vụ cho toàn bộ hoạt động của nền kinh tế. Việc triển khai xây dựng mạng lưới hạ tầng thông tin, truyền thông tới khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, xa còn chậm. Công trình kết cấu hạ tầng đa mục tiêu còn ít, hiệu quả đầu tư thấp do thiếu sự phối hợp trong quy hoạch và quản lý quy hoạch giao thông với thủy lợi, thủy điện, kinh tế biển, dịch vụ, du lịch…

Đại diện Bộ KH-ĐT cho rằng, đến năm 2015, Việt Nam phải phấn đấu đạt các mục tiêu: cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư; Việt Nam nằm trong số 65 nước trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN