Sáng nay 22/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng cần xem xét kỹ thêm báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế. Bên cạnh đó, cần rà soát lại tất cả những đánh giá về kinh tế-xã hội của 2017 có phù hợp không. Việc đánh giá này là bổ sung chứ không phải là “đánh giá lại 2017”, có một số đánh giá mới thì cần được xem xét kỹ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp tổ sáng nay 22/5. |
“Với tư cách là thành viên Chính phủ thì mong muốn lắng nghe xem với những đánh giá mới như thế thì mức độ nhìn nhận ra sao để rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, chứ nếu quay lại đánh giá 2017 thì không phù hợp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Dẫn đánh giá của Tổng Bí thư về tình hình kinh tế-xã hội năm 2017: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khan thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết tất cả lĩnh vực, về kinh tế - xã hội lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức 3,53%, bội chi ngân sách mức thấp 3,5% so với GDP, thị trường chứng khoán khởi sắc, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi phát triển toàn diện trên 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Từ đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề, về tăng trưởng nếu “chúng ta đánh giá chỉ phụ thuộc vào dầu thô, than đá có đúng không”, vì mấy năm nay nhất là năm 2017 công nghiệp khai khoáng nói chung, dầu và than đều tăng trưởng âm.
Thực tế, “báo cáo cũng nêu khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, tăng 7,44% cao nhất kể từ 2008 đến nay. Tiêu dùng trong nước tăng trưởng trên 2 con số (trên 10%), trừ đi lạm phát thì vẫn là cao nhất trong 10 năm qua”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về tình trạng ngân sách Trung ương hụt thu, Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần phải phân tích vì sao Trung ương hụt thu mà địa phương lại tăng thu.
“Phải chăng đầu tiên từ khâu làm dự toán không sát. Dự toán không sát thì trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Tài chính, của Chính phủ, thế nhưng cơ quan thẩm tra và quyết định dự toán này thì Chính phủ có cậy nhờ gì trong chuyện này không?”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, dự toán đã được các uỷ ban thẩm tra, rồi Quốc hội quyết định, việc lập dự toán cũng được nêu rõ trong Nghị quyết 07 Bộ Chính trị. Do đó, có tỉnh rất khó khăn, có tỉnh rất “xông xênh” trong tăng thu, mà tăng thu tỉnh này thì không thể lấy bù tỉnh kia được.
Thực tế, “riêng năm 2017 đã phải bù hụt thu cho hơn 10 tỉnh, chứ có phải ngân sách địa phương tăng thu cả đâu, vì cơ cấu thu nội địa của người ta có thay đổi”, Phó Thủ tướng nói.
Hiện, Chính phủ đang yêu cầu phải lập dự toán căn cứ vào dữ liệu về kinh tế xã hội, chứ không phải ước thu rồi lấy phần trăm tăng lên. Có những tỉnh có tăng lực sản xuất mới, nên có thể tăng thu, còn Trung ương vẫn phải hỗ trợ cho các địa phương khó khăn.
“Chúng ta đang ở giai đoạn làm nhiệm vụ kép, vừa giải quyết khắc phục những tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế đã tích tụ bao nhiêu năm trước ngày càng bộc lộ rõ, từ nợ xấu đến nợ công, cho đến các dự án yếu kém thua lỗ; vừa phải tạo ra năng lực sản xuất mới, môi trường đầu tư kinh doanh mới, nên cần có đánh giá đúng mực, khách quan mới, giúp cho công tác quản lý điều hành tốt hơn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trước đó, trong phiên khai mạc Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế đã có Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018.
Báo cáo thẩm tra đã chỉ ra, qua số liệu báo cáo của Chính phủ đã thể hiện các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020; mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp, nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.
Thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 76,48 nghìn tỷ đồng (6,3%) so với dự toán. Tuy nhiên, ngân sách trung ương bị hụt thu, chưa phát huy được vai trò chủ đạo theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Số tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương và phần lớn là từ đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận, còn lại của doanh nghiệp nhà nước mà không xuất phát từ khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh thấp hơn khá nhiều so với dự toán và thấp hơn số đã báo cáo.
Uỷ ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn về tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 và tạo đà cho 3 năm còn lại của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, khi ngân sách trung ương và thuế từ sản xuất, kinh doanh đều không đạt kế hoạch, dư địa tăng thu ngân sách nhà nước.