Quang cảnh phiên họp chiều 15/2/2025. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Nội dung trên nhằm từng bước hiện thực hóa chủ trương được nêu trong Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị. Một số nhà khoa học, đại diện hội, đoàn đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung trong xây dựng Nghị quyết thí điểm của Quốc hội, đóng góp cụ thể cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; tăng quyền tự chủ tài chính cho các tổ chức nghiên cứu...
Ưu tiên cơ chế quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau nhiều năm đối mặt với những rào cản về cơ chế, chính sách, giới khoa học công nghệ đang kỳ vọng vào một bước chuyển mình mạnh mẽ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính thức được thành lập, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Với điểm đột phá và những bước đi bài bản, mạnh mẽ được nêu rõ, Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn trong thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học mà còn tạo được niềm tin, động lực cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tự tin phát triển và vươn mình.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát, một trong những nội dung quan trọng nhất của Nghị quyết 57 là việc trao nhiều quyền hơn cho các nhà khoa học. Khi Nghị quyết này được triển khai, các nhà nghiên cứu sẽ có quyền chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp nghiên cứu miễn là vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng. Đây là bước tiến quan trọng giúp khoa học công nghệ phát triển linh hoạt hơn.
"Thực tế hiện nay, nhiều nhà khoa học gặp khó khăn khi phải "gò" kết quả nghiên cứu vào những cam kết ban đầu để đảm bảo qua được bước nghiệm thu. Điều này không chỉ cản trở sự sáng tạo mà còn khiến những phát hiện mới có giá trị bị bỏ qua. Nếu các nhà nghiên cứu được chủ động điều chỉnh một số nội dung, phương pháp nghiên cứu, thí nghiệm, thay đổi hóa chất, sinh phẩm…theo thực tế mà không cần trải qua quy trình hành chính phức tạp, nghiên cứu sẽ đạt hiệu quả cao hơn, rủi ro giảm thiểu, đồng thời vẫn đảm bảo đúng mục tiêu và kinh phí tài trợ", Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát nêu kiến nghị.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát bày tỏ vui mừng khi dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Quốc hội đưa ra thảo luận. Ông đề xuất, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, xác định rõ trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện. Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện.
Đồng thời, Nghị quyết thí điểm của Quốc hội cần nêu rõ nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định cụ thể trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Kết quả thực hiện là tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm.
Cùng với đó, Nghị quyết thí điểm cần quy định rõ việc mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời cần nêu rõ nội dung ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ; cơ cấu lại nguồn ngân sách chi sự nghiệp khoa học và công nghệ bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải…
Hoàn thiện chính sách hạ tầng công nghệ thông tin
Đánh giá cao các điểm đột phá về tư duy từ Nghị quyết 57, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, trước tiên đó là sự chấp nhận rủi ro và thí điểm trong các dự án khoa học và công nghệ. Điều này cho thấy sự thay đổi trong tư duy quản lý, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới. Qua đó, sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho các ý tưởng mới được thử nghiệm và phát triển, điều cần thiết để bắt kịp với tốc độ thay đổi của công nghệ toàn cầu. Với lĩnh vực du lịch, một ngành luôn cần sự đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 57 sẽ giúp các công ty có bước đổi mới, bắt kịp với những xu hướng trên thế giới.
Một đột phá nữa là Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đây cũng là yếu tố then chốt để bảo đảm sự thành công của chiến lược phát triển khoa học và công nghệ sẽ giúp Việt Nam xây dựng được lực lượng lao động có kỹ năng và khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động toàn cầu.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, sự tiếp cận của doanh nghiệp ngành du lịch với công nghệ thông tin còn yếu do chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao. Do đó, rất cần có những giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo đổi với khối doanh nghiệp này.
Cho rằng việc Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là kịp thời và cần thiết, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ cho ngành du lịch.
Đó là: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, sản xuất các phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành du lịch... Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải có chiến lược tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững.