Quy định rõ việc phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến là vấn đề phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Chương VI của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cả trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và văn bản quy định chi tiết thi hành đều chưa quy định rõ nội dung này.
Do đó, để thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc “xem xét đưa hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào Điều 6 của dự thảo Luật quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản; quy định rõ thời điểm phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản và văn bản phản biện xã hội (nếu có) phải được gửi kèm theo hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền; các nội dung khác liên quan đến phản biện xã hội được thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Việc sửa đổi, bổ sung như vậy đã bảo đảm thống nhất với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phù hợp với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung này.
Tán thành với quy định này trong dự thảo Luật, tuy nhiên, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cho rằng, cần tách riêng nội dung quy định về thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thành 1 điều riêng trong dự thảo Luật.
Đại biểu phân tích, hiện nay, quy định phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội được thực hiện theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị với quy trình chặt chẽ, mang tính chính trị sâu sắc. Quy trình này có chủ thể, tính chất, mục đích, quy tắc, phạm vi cụ thể; trách nhiệm chủ thể phản biện và cơ quan, tổ chức yêu cầu phản biện xã hội được nêu rõ. Vì vậy, đại biểu kiến nghị bố trí 1 điều độc lập, trong đó thể chế các vấn đề quan trọng có liên quan trong Quyết định số 217 về trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến quy trình, nguyên tắc thực thi.
Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Minh Tâm cũng kiến nghị bổ sung các đoàn thể chính trị - xã hội vào nội dung của điều luật để đảm bảo thể hiện toàn diện chủ thể phản biện xã hội; bổ sung các quy định để tạo hành lang pháp lý thực hiện nội dung này.
Từ thực tiễn tham gia, góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Mặt trận Tổ quốc trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, đại biểu Đinh Thị Hồng Minh (Quảng Ngãi) kiến nghị cần xem xét giới hạn, phạm vi phản biện xã hội ở địa phương. Theo đó, chỉ áp dụng phản biện xã hội với các văn bản của Hội đồng nhân dân trong ban hành nghị quyết để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế ở địa phương. Còn các trường hợp khác, nếu thấy cần thiết thì Mặt trận Tổ quốc có thể tham gia phản biện xã hội.
Đánh giá cao việc bổ sung nội dung tại Điều 6 dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) chỉ rõ, quy định này đã củng cố vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường giá trị của hoạt động phản biện xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Hiền băn khoăn về thời điểm tổ chức phản biện xã hội. Đại biểu phân tích, phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến trước giai đoạn thẩm định, thẩm tra, tức là không thực hiện phản biện xã hội trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Đề nghị cân nhắc quy định này, đại biểu nêu rõ lí do: Trong thực tế, nhiều dự án luật sau khi trình Quốc hội lần đầu thì chính sách thay đổi rõ ràng, thậm chí có thêm đề xuất chính sách mới chưa được đánh giá tác động; những trường hợp này rất cần thiết được phản biện xã hội để tạo sự đồng thuận và bảo đảm tính khả thi. Trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, các cơ quan của Quốc hội thường tổ chức rất nhiều hoạt động lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và tham vấn đối tượng chịu sự tác động. Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng hoạt động phản biện xã hội với chính sách mới được đề xuất bổ sung vào dự thảo luật.
Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật
Liên quan đến trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ: Việc giao cơ quan trình dự án chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật không phải là vấn đề mới mà đã được thực hiện ở giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, từ năm 2003, trách nhiệm chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đã được giao cho cơ quan thẩm tra (theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002).
Quy trình này được duy trì, hoàn thiện qua các lần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2008, năm 2015), đã thực hiện ổn định và đang phát huy tác dụng, đóng góp tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giúp Quốc hội ban hành được số lượng lớn các luật trong gần 2 thập kỷ qua.
Bên cạnh đó, Báo cáo tổng kết 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng không đánh giá, chỉ ra được những bất cập, hạn chế của việc cơ quan thẩm tra chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dẫn đến phải thay đổi, chuyển giao nhiệm vụ này cho cơ quan trình dự án. Hơn nữa, nếu thay đổi giao cơ quan trình dự án chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sẽ tác động lớn đến quy trình, có thể dẫn đến chậm trễ, không bảo đảm ban hành luật kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cũng khó khả thi, khó bảo đảm tiến độ chương trình làm việc của Quốc hội.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định hiện hành về trách nhiệm chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, nhưng có tiếp thu bổ sung một số quy định nhằm làm rõ và nâng cao hơn trách nhiệm của từng cơ quan tham gia vào quy trình này như được thể hiện tại các điều 74, 75, 76, 77 của dự thảo Luật.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung một số quy định khác để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan ngay từ giai đoạn lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, như: bổ sung, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án, dự thảo; bổ sung quy định trong hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra... phải có báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật; giữ quy định trong trường hợp cơ quan trình dự án có ý kiến khác với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trình, tiếp thu, chỉnh lý thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Nhiều đại biểu tán thành với việc giữ quy định hiện hành giao cơ quan thẩm tra chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết. Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) khẳng định, những nhiệm kỳ gần đây, thực hiện dân chủ và đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội, trong giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, các cơ quan của Quốc hội thực hiện nhiều hình thức tham vấn, đối thoại chính sách, lấy ý kiến nhân dân để tập hợp ý kiến đa dạng, đa chiều của các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất về chính sách trước khi trình Quốc hội thông qua. Do đó, duy trì quy định như hiện nay không chỉ hợp lý mà còn cần thiết để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả của quá trình đổi mới hoạt động của Quốc hội.