Đảm bảo tính khả thi của Chương trình Giám sát của Quốc hội năm 2021

Sáng 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Theo đó, năm 2021 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp: Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (cuối tháng 3/2021) tập trung vào việc tổng kết công tác nhiệm kỳ; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026; Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới (cuối tháng 7/2021); Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (cuối tháng 10/2021) tập trung vào các nội dung chính về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và một số hoạt động giám sát. Do vậy, việc dự kiến Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải được lựa chọn một cách phù hợp, đảm bảo tính khả thi của Chương trình.

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề

Theo Tờ trình, căn cứ các quy định của pháp luật, hàng năm, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội xem xét, quyết định chương trình giám sát của năm sau, trong đó bao gồm nội dung giám sát chuyên đề. Đối với năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp cuối năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 9. Tuy nhiên, căn cứ đặc điểm, tình hình đặc thù của năm 2021-năm cuối nhiệm kỳ khóa XIV và đầu nhiệm kỳ khóa XV, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến báo cáo Quốc hội cho phép không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề vào Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Năm 2021 là năm các cơ quan, địa phương phải dành nhiều thời gian cho công tác kiện toàn tổ chức, nhân sự bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của mình, do vậy sẽ không có đủ thời gian để triển khai giám sát toàn diện, có chiều sâu nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giám sát.

Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế đã triển khai giám sát chuyên đề trong năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ khóa XIII và khóa XIV cho thấy một số bất cập như: Phải thay đổi nhân sự của Đoàn giám sát (do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước thành lập) để Quốc hội khóa mới có thể tiếp tục tiến hành giám sát, dẫn đến gián đoạn trong khâu tổ chức triển khai thực hiện. Việc tiếp cận của đại biểu Quốc hội khóa mới đối với nội dung giám sát chuyên đề (do Quốc hội nhiệm kỳ trước quyết định và đã triển khai giám sát) sẽ rất khó khăn, thiếu thông tin thực tiễn, ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính chuyên sâu, toàn diện của vấn đề giám sát. Vì vậy, việc xem xét, quyết định kết quả giám sát khó bảo đảm hiệu quả như yêu cầu đặt ra. 

Ngoài ra, tại văn bản số 516/UBTVQH14-TTKQH ngày 25/02/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất giao Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội không bố trí giám sát chuyên đề trong năm 2021.

Tổ chức giám sát nhiều nội dung quan trọng

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trước những lý do nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã cho biết về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Chương trình giám sát bao gồm việc xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Bên cạnh đó, xem xét các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

 Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Đồng thời, xem xét các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo công tác năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Chương trình giám sát cũng xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Thu Phương (TTXVN)
Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021
Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 22/5, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN