Sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu, trao đổi và thảo luận về Chương trình đào tạo các ứng viên là người khuyết tật để sẵn sàng tham gia ứng cử, trở thành đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào kỳ bầu cử năm 2026.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội cho biết, quyền tham chính của người khuyết tật là một trong những quyền được quy định trong Hiến pháp và Luật Người khuyết tật.
Việt Nam hiện đã thông qua Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật với mong muốn thúc đẩy việc thực hiện quyền tham chính của người khuyết tật và bản thân người khuyết tật sẽ được tăng cường tham gia vào các cơ quan dân cử.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc bày tỏ mong muốn Chương trình đào tạo lần này sẽ đạt kết quả tốt và cho đến thời điểm bầu cử Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp giai đoạn 2026 - 2031 sẽ có những người khuyết tật ứng cử và trở thành đại biểu trong cơ quan dân cử của Việt Nam.
Bà Đào Thu Hương, Cán bộ dự án hòa nhập người khuyết tật, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định, những rào cản và thách thức với người khuyết tật là vô cùng đa dạng, có thể liệt kê một số vấn đề chính yếu như: Việc đi lại và hạ tầng giao thông chưa thực sự tiếp cận và phục vụ người khuyết tật, việc đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật còn nhiều điểm nghẽn…
Do đó, người khuyết tật cần có đại diện trong các cơ quan dân cử để “tiếng nói” của họ được phản ánh một cách kịp thời, toàn diện trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, góp phần cho sự phát triển bền vững của cộng đồng theo phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong một đánh giá nhanh của UNDP thực hiện vào năm 2021 về sự sẵn sàng của người khuyết tật tự ứng cử vào các cơ quan dân cử, có 98,2% số người khuyết tật được hỏi mong muốn có đại diện người khuyết tật ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, có khoảng 44% người khuyết tật sẵn sàng tự ứng cử. Tuy vậy, vẫn còn một số thách thức đối với người khuyết tật để thực hiện quyền tự ứng cử của mình. Các vấn đề xoay quanh sự thiếu tự tin và không biết cách tự ứng cử, vận động cử tri bầu cho mình.
Theo Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, nhóm nội dung liên quan đến quyền tham chính tại Việt Nam đã được thúc đẩy thực hiện rất tốt với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là với nhóm đối tượng yếu thế như người khuyết tật. Tuy nhiên, người khuyết tật hầu như mới chỉ tiếp cận một nửa vai trò của mình là đi bầu cử mà chưa quan tâm và thực sự thực hiện quyền ứng cử.
Chính vì vậy, nhằm thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật vào các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong kỳ bầu cử 2026, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với UNDP đã tổ chức khảo sát nhằm lựa chọn khoảng 100 ứng viên tiềm năng trên khắp cả nước để tham gia định hướng và phỏng vấn lựa chọn các ứng viên cho hoạt động đào tạo sẽ được tổ chức trong 3 năm từ 2023 - 2025. Chương trình sẽ trang bị cho các ứng viên những kỹ năng cần thiết như lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, vận động và kiến thức pháp luật.
Chương trình Hội thảo định hướng tại Cần Thơ là buổi định hướng thứ hai ở ba miền Tổ quốc, Ban tổ chức cùng các chuyên gia đã lựa chọn được 28 ứng viên tham gia vòng phỏng vấn trước khi lựa chọn các ứng viên cho hoạt động đào tạo tiếp theo ở Hà Nội.