Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Chiều 6/1 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt Ban Chỉ đạo 138/CP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới (gọi tắt Chỉ thị số 48-CT/TW) và tổng kết công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo 138/CP.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP chủ trì hội nghị.
* Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp Thời gian qua, tình hình tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã được kiềm chế, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp về phương thức, thủ đoạn, tính chất và thành phần đối tượng. Trong đó, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng, giết người dã man, tàn bạo, truy sát nạn nhân đến cùng gây bức xúc trong dư luận.
Tội phạm kinh tế và tham nhũng tiếp tục xảy ra nhiều trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản với các hành vi chủ yếu là tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có ý làm trái, lừa đảo. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và buôn bán, vận chuyển hàng cấm diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước.
Cùng với đó, tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường gia tăng và diễn biến phức tạp ở nhiều lĩnh vực; vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải, khí thải tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cũng đang xảy ra ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, tội phạm tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số vụ mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn ngày càng nhiều, trong đó có vụ từ 200 đến 500 bánh heroin, hàng chục kilogam ma túy tổng hợp. Loại tội phạm này ngày càng manh động, liều lĩnh và hầu hết các đối tượng đều được trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt...
Sau khi Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị được ban hành, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm đã được tăng cường, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm. Đặc biệt, nhiều loại án nghiêm trọng giảm, tỉ lệ điều tra khám phá đạt trên 76%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 93%; triệt xóa hàng chục ngàn băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm.
Riêng năm 2015, đã điều tra, khám phá gần 44 nghìn vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý trên 83 nghìn đối tượng, đạt tỷ lệ 77,12%; triệt phá 2.480 băng, nhóm tội phạm; truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.705 đối tượng truy nã. Cũng trong năm 2015, đã phát hiện gần 16 nghìn vụ tội phạm về kinh tế (tăng 14,68%); xử lý trên 13 nghìn vụ vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 17,53%); đấu tranh triệt phá gần 17 nghìn vụ, với hơn 26 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy…
Việc tổ chức phòng, chống tội phạm ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt xây dựng duy trì và nhân rộng hàng vạn mô hình, câu lạc bộ phòng chống tội phạm hoạt động có hiệu quả. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm được mở rộng với nhiều quốc gia, đi vào chiều sâu và thiết thực hơn.
5 năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra trên 358.045 vụ, 569.031 bị can; đã truy tố 295.594 vụ, 529.663 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 306.105 vụ với 552.235 bị cáo; đã xét xử 283.232 vụ với 502.632 bị cáo. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ghi nhận và biểu dương những thành tích, kết quả quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nêu rõ: 5 năm qua, đặc biệt là năm 2015 dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, sự vào cuộc với ý thức tự giác, trách nhiệm của nhân dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt đã chủ động triển khai, thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị và đạt được những kết quả quan trọng.
Nhận thức về vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được nâng lên. Công tác tuyên truyền được đổi mới, hướng về cơ sở, xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm.
Các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm từng bước củng cố, kiện toàn, đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật bước đầu đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tập trung đấu tranh triệt phá có hiệu quả các loại tội phạm, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, nhiều nội dung đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ và Chương trình công tác hằng năm đề ra.
Kết quả đạt được khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc; sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, đã góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
* Phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm
Theo Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về ma túy, tội phạm về môi trường, tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tiếp tục xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia;
Tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chỉ thị 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”.
Người đứng đầu cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình an ninh, trật tự tại đơn vị, địa phương; thường xuyên coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tội phạm.
Mặt khác, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tăng cường đối thoại với nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần chỉ đạo thực hiện tốt công tác nắm tình hình, kịp thời dự báo, phát hiện, xây dựng và chủ động thực hiện các phương án, kế hoạch, chương trình để giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh ngay từ cơ sở.
Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phòng ngừa tội phạm; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công, cán bộ hưu trí, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, chú trọng công tác tuyên truyền đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, tập trung vào nhóm các đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện ma túy, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, công nhân lao động…
Các địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng và nhân rộng các mô hình vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia và phòng, chống tội phạm theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự từ cơ sở.
Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần củng cố lực lượng chuyên trách, phòng chống tội phạm; chủ động phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với tích cực tấn công trấn áp các loại tội phạm; tập trung chỉ đạo điều tra, khám phá, xử lý kịp thời, triệt để, nghiêm minh các loại tội phạm. Trước mắt cần mở đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Chỉ đạo 138/CP từ Trung ương đến địa phương tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương cụ thể hóa kết luận của Thường trực Ban Bí thư bằng chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW từ nay đến năm 2020, đặc biệt là năm 2016.
Ban Chỉ đạo 138/CP từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, ý thức tuân thủ pháp luật cho nhân dân và tinh thần trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm; tuyên truyền, vận động đối với các đối tượng có nguy cơ phạm tội; chủ động trong công tác nắm tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị tham gia phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, đặc biệt là tăng cường đấu tranh với tội phạm có tổ chức, triệt phá các băng, tội phạm ma túy, băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí “nóng”...
Hệ thống tố tụng cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan, sai, đồng thời đẩy nhanh tiến độ điều tra, khám phá các vụ án, sớm đưa ra xét xử các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện…