Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt về việc tăng cường xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chức năng đã thường xuyên định hướng, nhắc nhở, phân tích rõ nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động báo chí thời gian, cũng như kiểm tra, xử lý một số cơ quan báo chí có vi phạm. Nhiều cơ quan báo chí thông qua kiểm tra, xử lý cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, quản lý chặt chẽ đội ngũ người làm báo cũng như các quy trình tác nghiệp.
Tuy nhiên, một số vi phạm ở một bộ phận cơ quan báo chí vẫn có xu hướng tồn tại dai dẳng, gây bức xúc cho xã hội và làm ảnh hưởng uy tín các cơ quan báo chí đang hoạt động nghiêm túc.
Một số tạp chí có biểu hiện "báo hóa" như: Chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong xã hội nhưng lượng thông tin lý luận, khoa học, chuyên ngành hạn chế, thậm chí không có; đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp về những nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; nhà báo, phóng viên của tạp chí khoa học nhưng sử dụng danh nghĩa báo chí hoạt động tác nghiệp để điều tra theo đơn thư, yêu cầu thậm chí đe doạ buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… cung cấp hồ sơ, tài liệu, tự cho mình quyền hạn như cơ quan thanh tra, điều tra; có phóng viên hoạt động tác nghiệp vi phạm pháp luật, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp.
Một số cơ quan báo chí có biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí, thể hiện chủ yếu ở việc giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thành lập và khoán doanh thu tùy tiện cho các văn phòng đại diện cơ quan báo chí, thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích.
Nhằm tiếp tục xiết chặt kỷ cương trong hoạt động báo chí, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường việc đo kiểm, rà quét nội dung thông tin hàng ngày và thông báo tại Giao ban báo chí hàng tuần để các cơ quan báo chí biết và có giải pháp khắc phục kịp thời.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cơ quan báo chí để nhắc nhở, chấn chỉnh; trường hợp phát hiện có cơ quan báo chí vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng xử phạt nghiêm theo quy định, thậm chí đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí và hàng tháng có thông báo kết quả xử lý tới các cơ quan chủ quản và các các đơn vị liên quan.
Đồng thời, tùy theo mức độ vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí theo các quy định của Đảng, của pháp luật và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí trực thuộc; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí đối với hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao;
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí; thường xuyên giáo dục, định hướng về chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên; làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, quản lý chặt chẽ đội ngũ người làm báo cũng như các quy trình tác nghiệp.