Thượng tá Bùi Thị Kim Huế, con gái Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Quang Thận giới thiệu về những hình ảnh của cha mình khi tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.
Hà Nội cuối tháng 4, hoa loa kèn chớm nở, trời dịu mát. Ngồi bên quán nước gần cơ quan chị Bùi Thị Kim Huế, khi nhắc về chiến công thầm lặng của người cha thân yêu, chị Huế xúc động: “Tôi may mắn sinh ra và lớn lên khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, người dân được sống trong hòa bình, ổn định và phát triển. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng đổi mới, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, tôi lại càng nhớ bố, người chiến sĩ Tăng thiết giáp Quân đoàn 2 năm xưa”.
Chị Huế kể lại, ngày đi học phổ thông, qua sách báo và tư liệu lịch sử chị được biết: Ngày 30/4/1975, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 Tăng thiết giáp dẫn đầu đội hình xe tăng trong mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Sài Gòn. Xe tăng 843 và 390 do Trung úy Bùi Quang Thận trực tiếp chỉ huy đã tiến thẳng vào trung tâm đầu não của ngụy quyền Sài Gòn ở Dinh Độc Lập.
“Lớn lên tôi mới biết người cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng chính là cha mình, người chiến sĩ Tăng thiết giáp Quân đoàn 2 Binh đoàn Hương Giang dũng cảm”, chị Huế kể lại.
Vậy chị còn biết gì về câu chuyện của cha mình khi ông vào Dinh Độc Lập thời khắc lịch sử trưa 30/4 năm ấy? Chị Huế cho biết: “Chiến công của bố tôi đã được sử sách ghi lại, tôi có nghe các bác, các chú cùng đơn vị bố tôi kể: Tiêu diệt xong căn cứ Nước Trong, đến 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, Đại đội 4 xe tăng của bố tôi quyết định vượt cầu tiến vào thành phố. Phía trước là chiếc xe của Đại đội 3 do bác Hùng chỉ huy bị xe tăng M41 bắn cháy. Xe 843 của bố tôi vọt lên tiêu diệt xe địch và tiếp tục vượt cầu. Khi đến Dinh Độc Lập thấy cổng đóng, bố tôi ra lệnh cho pháo thủ 2 là bác Nguyễn Văn Kỷ và pháo thủ 1 là bác Thái Bá Minh nhằm giữa cổng Dinh Độc Lập khai hỏa. Không hiểu sao đạn không nổ? Hai lần như vậy, bố tôi ra lệnh quay nòng pháo ra sau để cho xe húc đổ cổng Dinh. Trong 10 phút phải húc 3 lần, cánh cổng trái mới bung ra. Ngay lúc đó xe tăng 390 do bác Vũ Đăng Toàn, chính trị viên chỉ huy lao vào húc đổ cổng chính. Thế là cả hai xe đều tiến vào bên trong. Bố tôi cầm theo lá cờ Quân giải phóng chạy thẳng vào nhà và tiến lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập...”.
Chiến sĩ Bùi Quang Thận (cầm cờ, phía trước) cùng 3 chiến sĩ của Quân đoàn 2 Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN
Chị Huế kể lại, ngày bố còn đang công tác, ông là người nghiêm khắc. Trong cuộc đời quân ngũ, mỗi năm ông về phép được vài lần. “Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần ông về phép là mỗi lần chị em tôi sợ nem nép, đi nhẹ, nói khẽ, học bài đúng giờ, nhà cửa phải luôn gọn gàng, đầu tóc quần áo phải sạch sẽ, mặc dù toàn đồ cũ chuyền từ chị sang em. Sau này lớn lên, chị em tôi thấy bố đỡ sợ dần. Tôi là người giống bố nhiều nhất và cũng chịu ảnh hưởng từ ông nhiều nhất”, chị Huế kể lại.
Cũng theo chị Huế, năm 1985 ngày còn đi học phổ thông, hè về, chị được lên đơn vị của bố, qua cổng gác, mấy anh vệ binh không cần hỏi cũng biết ngay con gái Trung tá Bùi Quang Thận, bởi chị có khuôn mặt giống bố.
Sau khi học xong phổ thông, chị Huế ước mong được làm cô giáo, nên đăng ký thi vào Cao đẳng sư phạm Thái Bình. Nhưng rồi ước mơ đó không thành, bởi sau đó bố chị khuyên nên đăng ký vào bộ đội, rồi đi học trung cấp y. “Tôi không một lời từ chối hay cần thêm thời gian suy nghĩ, tôi đồng ý như kiểu nghe lệnh cấp trên. Bố nói là nghe và bỏ luôn môn thi cuối của sư phạm. Ngành Y đến với tôi như thế, đơn giản và nhanh chóng. Rồi tiếp đến là những lần đi học nâng cao, những áp lực trong cuộc sống, có nhiều lúc mệt mỏi, muốn buông bỏ nhưng có bố động viên bằng câu nói: ‘Cố lên, đã thấm tháp gì so với chúng tao ngày xưa, vừa đói vừa chiến đấu’ và tôi đã trở thành bác sĩ quân y như thế”, chị Huế tâm sự.
Chiếc xe tăng 843 do đồng chí Bùi Quang Thận chỉ huy đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.
Chị Huế xúc động: “Giá như bố còn sống thì những ngày này trong nhà không khí sẽ luôn như ngày hội và cũng tiếc rằng mình chưa làm gì để cho bố được tự hào, chưa làm gì báo đáp lại công sinh thành thì bố đã đi xa. Cũng chỉ tâm niệm trong suy nghĩ là sẽ luôn cố gắng trong tất cả mọi công việc để bố luôn yên lòng về các con. Với đất nước, bố là anh hùng, là nhân chứng lịch sử, với các con, bố là người bình dị, luôn quan tâm, dìu dắt, chỉ bảo, định hướng cho các con. Dù tôi chưa làm được những điều bố kỳ vọng nhưng tôi sẽ cố gắng sống thật tốt trong những ngày tháng tiếp theo. Chúng tôi mãi tự hào về bố kính yêu - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Quang Thận”.
Qua câu chuyện của chị Bùi Thị Kim Huế, chúng tôi càng hiểu thêm về người anh hùng cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập ngày ấy, Trung úy Bùi Quang Thận, người con quê lúa Thái Bình năng nổ, xông xáo, dũng cảm và quyết đoán... đó là những hình ảnh đậm nét về tác phong chỉ huy chiến đấu của ông Bùi Quang Thận khi đó, còn lưu lại trong tâm trí của chúng tôi mãi đến tận bây giờ.
Đại tá Bùi Quang Thận sinh năm 1948 ở làng Phấn Vũ, nay thuộc xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Từ lúc mới chỉ mang quân hàm Trung úy, chỉ huy xe tăng 843 và 390 tiến vào Dịch Độc Lập trưa 30/4/1975, trải qua quá trình công tác ông đã được cấp trên bổ nhiệm Lữ đoàn trưởng, Chủ nhiệm Tăng thiết giáp Quân đoàn 2 với quân hàm Đại tá. Ngày 24/6/2012, Đại tá Bùi Quan Thận đột ngột qua đời tại quê nhà. Với thành tích đặc biệt xuất sắc của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 30/10/2013.