Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân, sự đồng hành, phối hợp, chia sẻ, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Theo Bộ trưởng, việc ký kết Chương trình phối hợp này có ý nghĩa quan trọng trước bối cảnh, yêu cầu của thực tiễn trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gần đây.
Tại lễ ký kết, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang nhấn mạnh, hoạt động truyền thông chính sách đã và đang là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Báo chí là kênh truyền tải chủ trương, chính sách vào cuộc sống; đồng thời, báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội để các vấn đề của cuộc sống được đưa vào quá trình xây dựng và thực thi luật pháp. Báo chí tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân, doanh nghiệp nắm được chính sách, từ đó hiểu đúng và hành động đúng. Chính vì vậy, báo chí và hoạt động tư pháp là hai lĩnh vực gắn bó mật thiết trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang cho biết, Thông tấn xã Việt Nam đã phát huy thế mạnh của các đơn vị cung cấp thông tin nguồn, các đơn vị xuất bản và đặc biệt là các đơn vị thông tin đối ngoại chủ lực quốc gia cùng hệ thống 30 cơ quan thường trú ngoài nước và hơn 40 đối tác là hãng thông tấn, tổ chức báo chí nước ngoài để thông tin đầy đủ, lan tỏa kịp thời, chuẩn xác các tuyến thông tin trọng điểm như: Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng; kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam...
Các đơn vị thông tin của Thông tấn xã Việt Nam duy trì nhiều chuyên mục, chuyên trang như: “Văn bản - chính sách mới”, “Pháp luật - Đời sống - Xã hội”, “Giải đáp pháp luật”, “Chính sách cuộc sống”, “Kinh tế và pháp luật”, “Chống buôn lậu và gian lận thương mại”, “Vấn đề hôm nay”… Bên cạnh các thông tin chuyên đề, hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp được lồng ghép, phản ánh đa dạng trong các nội dung thông tin về chính trị, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội; phân tích chuyên sâu về những chủ trương, chính sách được dư luận quan tâm, có tác động đến xã hội nên có sức lan tỏa lớn tới người dân và doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng quốc tế. Các sản phẩm thông tin được thể hiện sinh động trên nhiều nền tảng truyền thông, ứng dụng công nghệ và tích hợp các loại hình báo chí để thông tin phong phú, hấp dẫn hơn.
Trên cơ sở khung nội dung phối hợp đã được thống nhất, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang đề xuất thêm một nhiệm vụ. Đó là phối hợp trong phản hồi, phản bác, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; lợi dụng chính sách để trục lợi; gây bất ổn xã hội; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Hiện nay, việc có nguồn thông tin nhanh chóng, chuẩn xác để kịp thời đăng phát, truyền thông đến công chúng là rất hiệu quả để phản hồi, chỉnh hướng những luồng thông tin bất lợi trong thực thi chính sách. Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang tin tưởng rằng, nội dung ký kết sẽ được triển khai hiệu quả, giúp các cơ quan hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, mỗi cơ quan báo chí đều có thế mạnh riêng. Nếu có chương trình phối hợp và kế hoạch cụ thể sẽ giúp việc triển khai các công việc đảm bảo đồng bộ, đạt hiệu quả tốt hơn.
Cho rằng lĩnh vực tư pháp, pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật có phạm vi rộng và khó, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị sau ký kết, các đơn vị cần phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm, trong đó xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm; tổ chức sơ kết giữa kỳ; đổi mới cách làm, chú trọng truyền thông trên nền tảng số để các tầng lớp nhân dân dễ tiếp cận.
Nhất trí với nội dung chương trình phối hợp, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ mong muốn thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp cùng các Ủy ban của Quốc hội cung cấp cho đội ngũ phóng viên thông tin một cách đầy đủ, kịp thời để đẩy mạnh hiệu quả công tác truyền thông trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật nói chung và về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm nói riêng. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về phổ biến giáo dục pháp luật, truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, phóng viên, biên tập viên đảm bảo đúng định hướng.
Theo nội dung ký kết, các cơ quan phối hợp xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế, thẩm định, góp ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, dự án và các văn bản khác liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.
Bên cạnh đó, thông tin, truyền thông rộng rãi trên các kênh/sản phẩm thông tin báo chí của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam (bao gồm cả các kênh/sản phẩm thông tin báo chí dành cho người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế) về những nội dung gồm: Phổ biến, truyền thông về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; quan điểm, chủ trương, chính sách trong các văn bản pháp luật mới ban hành; thành tựu trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Việt Nam.
Các đơn vị tăng cường thông tin về các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”; những văn bản liên quan đến các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp; Kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp từ trung ương đến địa phương...
Các cơ quan phối hợp triển khai cung cấp, chia sẻ thông tin truyền thông, phổ biến pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia; thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách pháp luật; cử chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tham gia các chương trình, chuyên mục, phỏng vấn trong chương trình thông tin, phát thanh, truyền hình của báo, đài; tham gia giải đáp pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý.
Các đơn vị phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, phóng viên, biên tập viên được phân công triển khai thực hiện các nội dung phối hợp và tham gia thực hiện các nhiệm vụ cụ thể có liên quan...