Cùng tham gia Đoàn đại biểu có ông Phạm Trường Giang, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt và ông Đặng Chung Thủy, Tham tán Công sứ Việt Nam tại Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tại buổi làm việc với Đoàn KTNN Việt Nam tại trụ sở GIZ, ông Nguyễn Kim, đại diện Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển của Đức, phụ trách hợp tác với Việt Nam đánh giá cao những thành tựu KTNN Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua với đối tượng và phạm vi kiểm toán của KTNN Việt Nam được công nhận và mở rộng đáng kể. Ông Nguyễn Kim bày tỏ vui mừng khi GIZ đã có những đóng góp vào kết quả đạt được của KTNN Việt Nam, đồng thời tin tưởng KTNN Việt Nam sẽ tiếp tục đảm đương thành công những trách nhiệm mới. Ông Nguyễn Kim cho biết mối quan tâm của KTNN Việt Nam về kiểm toán CNTT và kiểm toán môi trường cũng là những lĩnh vực được chú trọng phát triển hợp tác giữa Đức và Việt Nam – một trong những chiến lược phát triển chung của Đức tại các quốc gia thuộc khu vực châu Á và các đối tác trong thời gian tới.
Vui mừng trước kết quả hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian qua, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, từ năm 1997-2009, GIZ đã hỗ trợ KTNN thông qua Dự án Hỗ trợ xây dựng KTNN gồm 3 giai đoạn với tổng kinh phí là 4,5 triệu Euro nhằm hỗ trợ KTNN có khả năng đảm nhiệm và cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ Chính phủ giao, tư vấn cho lĩnh vực kiểm toán đầu tư - dự án và lĩnh vực kiểm toán phần tham gia góp vốn của Nhà nước cũng như công tác tư vấn về đảm bảo quyền độc lập của cơ quan Kiểm toán nhà nước, nâng cao năng lực của KTNN để thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao. Đặc biệt, dựa trên sự giúp đỡ hiệu quả của GIZ trong việc xây dựng 9 chuẩn mực của KTNN, KTNN Việt Nam đã xây dựng và ban hành 36 chuẩn mực của KTNN dựa trên chuẩn mực kiểm toán quốc tế của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Đồng thời, chuyên gia GIZ đã cùng KTNN Việt Nam tham gia thực hiện kiểm toán hoạt động về thu phí đường bộ và hỗ trợ xây dựng quy trình kiểm toán hoạt động. Ngoài ra, từ năm 2011-2019, GIZ tiếp tục hỗ trợ KTNN thông qua Dự án khu vực nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực các Cơ quan kiểm toán tối cao các nước Đông Nam Á (ASEANSAI). Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn trong thời gian tới, GIZ đẩy mạnh hỗ trợ tăng cường năng lực cho KTNN, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược của KTNN, chú trọng Kiểm toán hoạt động; Kiểm toán môi trường và Kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT).
Chia sẻ về công tác kiểm toán hoạt động (KTHĐ) của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN đang từng bước xây dựng những giải pháp phát triển KTHĐ để phát huy vai trò quan trọng của KTNN trong đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và tính hiệu quả của việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị phía bạn chia sẻ kinh nghiệm về lập kế hoạch chiến lược KTHĐ và lựa chọn chủ đề KTHĐ; lập kế hoạch kiểm toán; kinh nghiệm sử dụng các phương pháp để thu thập bằng chứng kiểm toán khi thực hiện KTHĐ cũng như kinh nghiệm trình bày báo cáo KTHĐ.
Về kiểm toán CNTT, Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ, KTNN từng bước tiến hành các nội dung kiểm toán CNTT một cách hệ thống từ năm 2015 đến nay và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong thời gian tới, KTNN Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp cận kiểm toán CNTT theo chuẩn mực và hướng dẫn kiểm toán CNTT của INTOSAI; xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành kiểm toán CNTT và các CSDL kiểm toán chuyên ngành khác nhằm tạo lập bức tranh toàn cảnh về nền tài chính quốc gia và tài sản công tại Việt Nam; định kỳ kiểm toán các hệ thống CNTT và dự án CNTT trọng yếu; đẩy mạnh công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ KTV kiểm toán CNTT; đồng thời xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (BIG DATA) và CSDL tri thức.
Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của GIZ; mong rằng KTNN Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ GIZ trong thời gian tới về các lĩnh vực như kiểm toán môi trường; kiểm toán CNTT, ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu lớn.