Theo nhận định của ngành Y tế Thanh Hóa, rất có khả năng đã có nhiều người Thanh Hóa đang mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh hoặc mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng vì thời gian qua số người đi từ Đà Nẵng và các địa phương có dịch về là rất lớn… Bên cạnh đó, nguồn lây còn đến từ những người nhập cảnh vào Việt Nam và đến Thanh Hóa không theo đường nhập cảnh chính thống (qua đường mòn, lối mở, tàu thuyền…), nhất là những người qua biên giới phía Bắc và qua biên giới phía Tây giáp với Thanh Hóa.
Trong ngày 31/7 và 1/8, Thanh Hóa tiếp tục lấy mẫu và xét nghiệm cho 88 người có liên quan đến 28 điểm nguy cơ lây mắc COVID-19. Hiện đã có 20/88 người đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hóa, tính đến chiều 31/7, địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2.102 người nước người đến từ 55 quốc gia, vùng lãnh thổ đang cư trú, hoạt động. Đến thời điểm này chưa phát hiện có trường hợp người nước ngoài cư trú, hoạt động tại Thanh Hóa có dấu hiệu mắc COVID-19.
Công an tỉnh đã phát hiện 6 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh lưu trú, hoạt động tại địa phương không có đầy đủ giấy tờ hoặc thực hiện không đầy đủ khai báo theo quy định. Hiện Công an Thanh Hóa đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa đưa 6 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép trên và những người Thanh Hóa có tiếp xúc gần vào cách ly tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng Trường Đại học Hồng Đức và tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết, trong những ngày tới, các địa phương trong tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác rà soát, giám sát và cách ly kịp thời các đối tượng nguy cơ; tiếp tục rà soát, giám sát các trường hợp đi trên chuyến bay VN166 (vào 8 giờ 30 phút ngày 25/7) và các trường hợp đến khám, điều trị, thăm hoặc chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng (từ ngày 1/7) theo thông báo khẩn số 19 của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Thông tin Truyền thông nghiên cứu hướng dẫn, triển khai việc cài đặt ứng dụng Bluezone - Khẩu trang điện tử cảnh báo nguy cơ lây nhiễm bệnh trong các cơ quan, đơn vị và cộng đồng.
Kể từ ngày 1/8, tỉnh Thanh Hóa sẽ hạn chế tập trung đông người trong các trường hợp không cần thiết, đeo khẩu trang bắt buộc tại bệnh viện, trên các phương tiện giao thông vận tải, nhà ga, cảng hàng không… đồng thời khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng.
* Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương trong tỉnh, diễn ra chiều 31/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho biết, UBND tỉnh thống nhất sẽ tạm dừng giải chạy Mekong Delta Marathon dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8; thực hiện không tập trung quá 30 người ở nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; duy trì hoạt động của chợ, siêu thị nhưng sẽ thực hiện trở lại các hoạt động đo thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang và rửa tay trước khi vào chợ, siêu thị; tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu như karaoke, quán bar, massage; đối với nhà hàng, vẫn cho phép hoạt động bình thường nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch; không tổ chức, cử các đoàn công tác, hoặc cán bộ, công chức đi công tác, tham quan, du lịch tại các địa phương có dịch.
Các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện tốt việc kiểm soát các trường hợp đi từ Đà Nẵng về từ 1/7/2020 phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Ngành Y tế địa phương phối hợp với ngành Giáo dục phân loại F0, F1, F2 chặt chẽ đối với thí sinh dự thi, giáo viên tham gia nhiệm vụ trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Lực lượng Quân đội, Công an nắm chắc tình hình người từ biên giới di chuyển vào tỉnh, các địa phương không để xảy ra tình trạng bỏ trốn khỏi khu cách ly.
Các ngành, địa phương kiểm tra toàn bộ các cơ sở cách ly, chuẩn bị bệnh viện dã chiến để sẵn sàng đưa vào sử dụng. Hội Chữ thập đỏ tiếp tục duy trì công tác tiếp nhận hiến máu nhân đạo.
Hiện tại, tỉnh Hậu Giang đang cách ly, theo dõi 147 người. Tất cả các trường hợp cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Sáng 31/7, các trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, nếu có kết quả âm tính sẽ làm thủ tục hoàn thành cách ly và đưa trở về địa phương nơi cư trú vào ngày 2/8.
Ngoài ra, tỉnh có 499 người trở về từ các địa phương có ca mắc COVID-19, tất cả đã cập nhật khai báo y tế. Tỉnh thành lập 11 địa điểm cách ly tập trung vào giai đoạn đầu với 1.379 giường. Sau thời gian tạm ngưng, tỉnh đã khởi động lại hoạt động của một số cơ sở cách ly tập trung nhưng thực hiện giãn cách người cách ly tập trung nên số giường phân bố tại các điểm còn khoảng 700 giường. Ngành Y tế tỉnh đã dự trù mua 1.000 bộ test xét nghiệm virus SARS-COV-2 cùng 2.000 khẩu trang N95 và 2.000 bộ đồ bảo hộ chống dịch.
* Chiều 31/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ (CDC) cho biết, ngành Y tế địa phương đang triển khai liên tiếp nhiều đợt kiểm tra, giám sát và quản lý chặt các trường hợp mới đến lưu trú trên địa bàn thành phố, tiếp tục tăng cường quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Cần Thơ, đến chiều 31/7, thành phố đang cách ly tập trung 198 công dân Việt Nam vừa về từ Brunei và Indonesia nhập cảnh vào chiều 29/7. Các công dân này đã được lấy mẫu xét nghiệm và đến tối 30/7, đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Thành phố còn 761 người đang cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú trên địa bàn. Đây là những người vừa về từ các địa phương khác trong cả nước.
Hiện nay, các ngành chức năng trên địa bàn thành phố tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tự nguyện khai báo y tế qua ứng dụng NCOVI. Hiện đã có hơn 482.600 người khai báo y tế qua ứng dụng này, trong đó có khoảng 1.540 trường hợp báo cáo có yếu tố nghi ngờ cần phải kiểm tra theo dõi.
Lực lượng y tế cơ sở đã và đang phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm giám sát quản lý chặt thông tin của các trường hợp vừa đến lưu trú trên địa bàn.