Lịch sử TTXVN mãi mãi ghi nhớ công ơn của Bác Hồ đối với sự phát triển của mình. Các cố phóng viên TTX như Mạnh Hào, Đinh Chương, Lê Việt Thảo, Tô Kim Nhâm, Vũ Tín … từng được Bác quan tâm, tạo điều kiện tốt khi tác nghiệp.
Phóng viên ảnh Vũ Tín kể rằng khi ông chụp Bác Hồ đi bầu cử, nhận thấy phóng viên chưa kịp chụp, Bác vỗ vỗ trên mặt hòm phiếu đợi khi ánh đèn chụp ảnh lóe lên, Người biết rằng phóng viên đã chụp được ảnh mới thôi.
TTXVN hiện còn lưu giữ khá nhiều bản thảo các bản tin có bút tích biên tập của Nhà báo đặc biệt xuất sắc: Hồ Chí Minh. Người đã sửa từ đầu đề, câu, chữ cho các bản tin viết về hoạt động của Bác .
Nguyên Tổng giám đốc TTXVN Hồ Tiến Nghị kể lại trong cuốn sách “TTXVN luôn làm theo lời Bác Hồ dậy”, do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành năm 2022: Bác Hồ là người đã đặt tên cho cơ quan VNTTX. Trong sách viết rằng, ngày 4 tháng 3 năm 1952, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã đến thăm cơ quan VNTTX ở ATK Tuyên Quang và ngủ lại một đêm với anh em phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên.
Hơn nửa thế kỷ qua, ai cũng biết rằng Bản di chúc lịch sử của Người được viết trên mặt sau của Bản tin VNTTX. Sinh thời, Bác Hồ luôn đọc bản tin VNTTX hằng ngày. Thấy tin nào hay, cá nhân nào có nhiều thành tích, Người phê vào bên lề, yêu cầu xác minh để khen thưởng.
Nhà báo Trần Hữu Năng, nguyên Trưởng cơ quan thường trú VNTTX tại Hải Phòng, đã vinh dự được Bác Hồ tặng Bằng khen bởi thành tích viết tin phát hiện điển hình xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước là Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng). Tin đầu tiên của ông viết về “Hội mùa trí tuệ công nhân” của Nhà máy, được bản tin Thông tấn xã phát ngày 9/2/1961. Sau đó, nhà báo Trần Hữu Năng còn viết tiếp các tin tức về phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất của công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên Hải.
Bác Hồ khi đọc tin của ông, đã bút phê yêu cầu xác minh. Điều lý thú là Bộ Biên tập báo Nhân dân cũng đã mau mắn vào cuộc bằng hàng loạt quyết định nghiệp vụ quan trọng: Ngày 4 và 7/3/1961, báo Nhân dân đã sử dụng các tin trên Bản tin VNTTX của nhà báo Trần Hữu Năng. Sau đó, nhà báo Hoàng Tùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân dân cùng Phó Tổng Biên tập Hồng Hà và cán bộ của Ủy ban Kế họach Nhà nước đã về thành phố Hải Phòng tìm hiểu, khảo sát và nghiên cứu về phong trào thi đua của công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên Hải. Báo Nhân dân sau đó đã có xã luận và loạt bài về Nhà máy Cơ khí Duyên Hải...
Vấn đề đã trở nên “lớn” rồi, lãnh đạo VNTTX cấp tốc bổ sung từ Tổng xã về Hải Phòng hai nhà báo “cứng” là Mai Hữu Phúc, Nguyễn Chính. Bên báo Nhân dân cũng cử phóng viên biệt phái về Hải Phòng. Mọi thông tin về Nhà máy Cơ khí Duyên Hải đều được báo các lên Bác Hồ.
Và ngày 21/3/1961, Bác Hồ đã về Hải Phòng với công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên Hải.
Nhà báo Trần Hữu Năng bình luận về sự kiện này là “súng đã nổ và cờ đã phất”. Đích thân Bác Hồ đã phát động phong trào thi đua yêu nước: Sóng Duyên Hải (lĩnh vực công nghiệp), Gió Đại Phong (lĩnh vực nông nghiệp) Quảng Bình, Cờ Ba Nhất (trong lực lượng quân đội) và Tiếng trống Bắc Lý (trường PTCS Bắc Lý) ở Hà Nam.
Tấm Bằng khen của Bác Hồ về thành tích trong công tác phóng viên của nhà báo Trần Hữu Năng, cùng với Giấy chứng nhận đạt giải Nhất của Hội Nhà báo Việt Nam dành cho chùm tin “Cơ khí Duyên Hải” của nhà báo Trần Hữu Năng, thực sự là kỷ vật quý báu mà ít người tận mắt thấy.
Gần 40 năm công tác ở TTXVN, tôi có biết sự kiện này và cũng từng được nghe các đồng nghiệp thế hệ nhà báo Trần Hữu Năng kể về vinh dự nghề nghiệp đặc biệt này. Ông cũng kể nhiều về sự quan tâm của Bác Hồ đối với TTX. Nhớ ông, tôi cứ lăn tăn mãi mong có dịp trở lại đề tài này..
Gần đến dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2023), tôi nhận được tin nhắn từ trưởng nam của cố nhà báo Trần Hữu Năng (1927-1998), nguyên Trưởng ban Biên tập tin Trong nước TTXVN, nguyên Trưởng Phân xã VNTTX tại Hải Phòng (nay là Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hải Phòng) cho biết là vừa tìm được một số tư liệu thú vị của thân phụ, liên quan đến việc nhà báoTrần Hữu Năng được Bác Hồ tặng Bằng khen.
Tấm Bằng khen số 1261 do đích thân Bác Hồ ký ngày 14/11/1962, ghi rõ: “Đã lập nhiều thành tích công tác trong năm 1961”, liên quan đến thành tích công tác của nhà báo Trần Hữu Năng trong năm 1961 khi ông viết tin và phát hiện điển hình xuất sắc... nay đã phai màu, nhưng với gia đình nhà báo Trần Hữu Năng, đó là kỷ vật vô giá.
Xem lại bút tích hồi tưởng về sự kiện này của cố nhà báo Trần Hữu Năng, tôi càng thấm thía với tâm niệm của một người làm tin lớp đàn anh: Tin - Vũ khí hiệu quả cao của TTXVN.