Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế

Các phiên thảo thuận tại diễn đàn Quốc hội tuần qua cho thấy, các đại biểu sốt ruột và thúc giục cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế với các trọng tâm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng đã được phê duyệt, thực hiện nhưng tiến triển còn chậm.


Vẫn chưa có thay đổi đột phá


Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội tuần qua cho biết, qua thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư đã giảm nhẹ từ mức 39,3% giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 37,8% trong năm 2012, bước đầu khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải. Bước đầu khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thất thoát. Nhờ đó, việc bố trí vốn đầu tư đã có sự kiểm soát tốt, các dự án đầu tư về cơ bản được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. Số dự án khởi công mới giảm đáng kể, số dự án hoàn thành tăng cao.

 

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank) được chuyển đổi từ Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương.Trần Việt - TTXVN


Tuy nhiên, tái đầu tư công vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đáng chú ý là các dự án luật được cho là rất cần để hoàn thiện thể chế, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đang trong quá trình xây dựng. Do đó, để tái cơ cấu đầu tư công thành công thì hệ thống pháp luật, thể chế và ngân sách cần phải hoàn thiện hơn. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị sớm ban hành Đề án tái cơ cấu đầu tư công gắn với cải cách thể chế, đổi mới phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhằm thay đổi rõ rệt phương thức phân bổ nguồn lực công, nâng cao hiệu quả đầu tư công.


Đề án tái cơ cấu ngân hàng được phê duyệt từ đầu năm 2012. Đến nay, thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ cơ bản được đẩy lùi thông qua việc hợp nhất, sáp nhập các tổ chức yếu kém. Nợ xấu đang từng bước xử lý thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới thành lập. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đến cuối tháng 7/2013, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn còn gần 139.000 tỷ đồng, bằng 4,58% dư nợ, trong khi mức chuẩn an toàn là 3%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những nguyên nhân đang làm khó việc tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả, ảnh hưởng đến sự lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.


Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trên cơ sở Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2011 - 2015 đã được phê duyệt (Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 6/9 tập đoàn kinh tế và 8/10 tổng công ty 91; các bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã phê duyệt đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.


Về cơ bản, các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tập trung vào việc đổi mới mô hình tổ chức, cơ cấu lại sản phẩm, nguồn nhân lực, trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề, chiến lược phát triển, đảm bảo tập trung thực hiện các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính do Nhà nước giao; thực hiện thoái vốn, chuyển nhượng vốn không thuộc ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Tuy nhiên, chỉ riêng một vấn đề là doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi những ngành nghề không phải là ngành nghề chính hiện cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện thị trường không thuận lợi.


Dành nguồn lực cho tái cơ cấu


Liên quan đến các ý kiến cho rằng, việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế còn chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu hai nguyên nhân. Thứ nhất, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hay xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đều là những vấn đề phức tạp, phải được thảo luận và chấp thuận ở nhiều cấp, nhiều cơ quan có thẩm quyền. Thứ hai, việc giải quyết các vấn đề phức tạp phải tiến hành thận trọng và từng bước trong một không gian chính sách rất hạn hẹp.


Muốn thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải có nguồn lực, trong đó có cả nguồn kinh phí thực hiện. Đây là thách thức cho cả Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp trong bối cảnh Chính phủ chủ trương cắt giảm đầu tư. Việc cắt giảm vốn đầu tư trong 3 năm qua, để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đã khiến một loạt các doanh nghiệp, địa phương gặp khó khăn. Ví dụ, tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, muốn tái cơ cấu thành công, phải có đủ nguồn lực để giải quyết chế độ, chính sách cho khoảng 4 vạn lao động dôi dư. Một số tập đoàn kinh tế nhà nước cho biết quá trình tái cơ cấu của họ, nhất là việc thoái vốn ngoài ngành gặp khó khăn do tình hình thị trường không thuận lợi và việc huy động nguồn lực tái cơ cấu khó khăn.


Đồng tình với quan điểm tái cơ cấu kinh tế là quá trình phức tạp và dài hạn nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu ý rằng, nếu tái cơ cấu càng chậm thì hậu quả càng trầm trọng hơn. Ví dụ, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm thậm chí có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng tự vượt qua được khó khăn nhưng do chưa có hệ thống chính sách để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu như xử lý lỗ, dôi dư tài sản, cán bộ, lao động nên lúng túng, chờ đợi, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Thậm chí, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, chậm trễ trong tái cơ cấu có thể ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế. “Việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là một trong những giải pháp đáng lẽ phải làm rất cấp bách vì quyết định đến triển vọng dài hạn của nền kinh tế. Nếu không đẩy mạnh tái cơ cấu thì những cải thiện và cân đối lớn của nền kinh tế càng yếu đi. Do đó, cần dành nguồn lực hợp lý cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Trần Đình Thiên đề xuất.



Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN