Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 31/12 đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành nông nghiệp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2014 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo là tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Dương Giang – TTXVN


* Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, năm 2013, ngành nông nghiệp đã phấn đấu, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt các nội dung, giải pháp của Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức sản xuất. Kết quả chung của cả năm về cơ bản đã đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng ngành đạt khá (tăng trưởng GDP đạt 2,67%, tương đương với mức tăng của năm 2012 là 2,68%); sản xuất tiếp tục phát triển, nhiều loại sản phẩm có sản lượng tăng mạnh so với năm 2012; định hướng và giải pháp tái cơ cấu đã dần rõ nét và triển khai thực hiện ở cấp ngành, lĩnh vực.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, năm 2014, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện tái cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Các chỉ tiêu cụ thể được đề ra là: Tăng trưởng GDP đạt 2,6 - 3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,1 - 3,5% so với năm 2013; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 28,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5%...

Để thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2014, ngành nông nghiệp tập trung vào việc rà soát, xây dụng, sửa đổi bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành; thực hiện tái cơ cấu đầu tư để tập trung vốn đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Đồng thời, ngành ưu tiên nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển thủy lợi, đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm; quản lý, bảo vệ và sử dụng các nguồn tài nguyên, môi trường bền vững, hiệu quả...

* Huy động toàn xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả xây dựng nông thôn mới

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, năm 2013, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sâu sát và dành nhiều ưu tiên nguồn lực; các Bộ, ngành, trung ương và các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tuyên truyền về chương trình. Bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình từ Trung ương đến các địa phương tiếp tục được củng cố, hoạt động tích cực, chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể nên những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp đề ra cho năm 2014 đã đặc biệt nhấn mạnh việc ưu tiên nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục thiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung hỗ trợ các địa phương còn chậm về công tác quy hoạch và xây dựng đề án, phấn đấu hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án nông thôn mới cấp xã đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Các địa phương dành ngân sách cho Chương trình, đồng thời tập trung huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, làm chuyển biến hạ tầng cơ bản cấp xã về các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá...

Bên cạnh đó, toàn ngành đẩy mạnh đổi mới cơ cấu và phát triển sản xuất để tăng nhanh thu nhập cho cư dân nông thôn; khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh ở nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ,...

* Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, vượt khó và những kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2013; khẳng định, những kết quả mà ngành đạt được là khá toàn diện, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, nhất là bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống của người dân ở nông thôn.

Khái quát những kết quả đạt được cũng như chỉ rõ những tồn tại, hạn chế mà ngành nông nghiệp cần quan tâm khắc khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ đầu tiên của ngành là tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đây là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế, là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất để có giá trị gia tăng cao hơn, đưa thu nhập của người làm nông nghiệp cao hơn, thu hẹp khoảng cách về thu nhập, phát triển giữa người dân nông thôn và người dân đô thị. Theo đó, tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới, đây là 2 vấn đề gắn kết chặt chẽ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành công phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, quan tâm đề ra cơ chế, chính sách hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

“Tái cơ cấu nông nghiệp thành công chỉ khi chúng ta ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo cần khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp; hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ cũng như tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông sản.

Ngành cần từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút, khuyến khích mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đảm bảo cho người lao động nông thôn có thu nhập, đời sống ổn định theo tinh thần ly nông nhưng không ly hương.

“Việc đưa doanh nghiệp đầu tư địa bàn nông thôn có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới...”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý cần tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo nghề để phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp, cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; thực hiện hiệu quả, lồng ghép các chương trình, chính sách về nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; quan tâm bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.

Đồng thời, theo Thủ tướng, ngành cần đảm bảo nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn hồ chứa; ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi đa mục tiêu gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống các công trình thuỷ lợi...

 
Thiện Thuật

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Campuchia
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Campuchia

Ngày 26/12, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN