Anh hùng trong kháng chiến
Nói đến lịch sử, truyền thống của Đảng bộ, quân, nhân dân xã Long Đức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tất cả cán bộ, đảng viên và người dân Long Đức đều tự hào về các thế hệ cha, anh đã đóng góp công sức và xương máu, làm rạng danh quê hương anh hùng.
Bí thư Đảng ủy xã Long Đức Lê Văn Mạnh tự hào khi nhắc đến truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương. Anh kể, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nằm cách trung tâm tỉnh lị chỉ hơn 4 km nhưng Long Đức là vùng giải phóng, vùng căn cứ địa cách mạng, luôn nuôi dưỡng, chở che quân giải phóng, tạo điều kiện cho bộ đội tấn công vào sào huyệt của Mỹ - Nguỵ tại tỉnh lị. Chính vì vậy, Long Đức luôn là vùng bị địch kìm kẹp khắc nghiệt, chúng thường xuyên càn quét hòng triệt phá lực lượng cách mạng ở vùng đất này.
Tại trung tâm tỉnh lị của Nguỵ quyền có cả một hệ thống quân sự gồm sân bay, lực lượng bảo an, cảnh sát, dân vệ và Sư đoàn 9 của Ngụy quyền Sài Gòn trấn giữ và thường xuyên tấn công vào vùng giải phóng Long Đức. Chỉ trong hai năm (1968-1969), địch thực hiện 489 cuộc càn quét; trong đó có 61 trận cấp tiểu đoàn với cả lực lượng hải quân, lục quân, không quân, máy bay B52 rải thảm bom và chất độc hóa học vào Long Đức nhằm tiêu diệt tận gốc lực lượng cách mạng. Tuy nhiên, bằng tinh thần yêu nước, ý chí sắt thép, quân và dân Long Đức vẫn quật cường bám trụ chiến đấu, không ngại hy sinh để gìn giữ từng tấc đất quê hương trong suốt những năm thập niên 60 cho đến ngày giải phóng.
Công trình xây dựng Đền thờ Bác Hồ, tại ấp Vĩnh Hội, ngay gần khu trung tâm của địch được xem là “Công trình của trái tim” của Đảng bộ, quân, nhân dân địa phương thể hiện lòng kính yêu vô hạn với Bác và tinh thần bất khuất trước kẻ thù.
Khi được tin Bác mất, cùng với nỗi tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước, nhân dân Long Đức chẳng ai bảo ai, đêm đêm mọi nhà đều thắp nén nhang để tưởng nhớ đến Vị cha già của dân tộc. Nhiều gia đình đã âm thầm lập bàn thờ Bác để bày tỏ tấm lòng tiếc thương vô bờ bến. Trước tấm lòng của nhân dân, Thị ủy Trà Vinh đã đề xuất và chỉ đạo phải xây dựng Đền thờ Bác trên vùng quê Long Đức. Chủ trương hợp lòng dân, ý Đảng nên việc xây dựng Đền thờ Bác được truyền đi nhanh chóng và nhận được rất nhiều sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân. Không kể già, trẻ, trai gái, ai có điều kiện đều tự nguyện góp công, góp của để xây dựng Đền thờ Bác.
Ngày 10/3/1970, công trình xây dựng Đền thờ Bác được khởi công. Mọi công việc xây dựng đều tiến hành vào ban đêm để tránh phi cơ, đạn pháo của địch. Cứ khi chiều xuống, từng tốp, từng tốp đủ các thành phần già, trẻ, lương, giáo, các dân tộc Việt, Khmer, Hoa từ các ấp Kinh Lớn, Long Đại, Rạch Bèo, Phú Hòa, Huệ Sanh, Công Thiện Hùng của xã Long Đức kéo nhau về Vĩnh Hội để chung tay xây dựng Đền thờ Bác.
Biết được việc xây dựng Đền thờ Bác, kẻ địch tập trung bắn phá ác liệt vào Vĩnh Hội. Sáng 15/4/1970, địch đổ quân bằng tàu chiến và trực thăng đánh vào ấp Vĩnh Hội và tiến hành nhiều cuộc càn quét. Đội du kích ấp và tổ bảo vệ Đền thờ, bằng sức mạnh tại chỗ đã kiên trì bám đất, bám dân đánh bật hầu hết các trận càn của địch. Do địch càn quét liên miên nên đến ngày 26/1/1971, việc xây dựng Đền thờ mới hoàn thành và tổ chức khánh thành trong niềm vui ngập tràn, niềm tự hào của mỗi người dân Long Đức. Trong năm 1970, quân và dân địa phương đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên Mỹ Nguỵ; 100.000 lượt quần chúng nhân dân đã tham gia đấu tranh chống giặc.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đền thờ Bác không ngừng được tôn tạo, khang trang hơn trên diện tích 0,7 ha. Ngày 5/9/1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vĩnh Hội được Bộ Văn hóa -Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
Những ngày tháng 4 lịch sử, về lại Long Đức, đi trên những con đường láng nhựa, bê tông nối thông tuyến từ khắp các ấp Vĩnh Hội, Kinh Lớn, Long Đại, Rạch Bèo, Phú Hòa, Huệ Sanh, Vĩnh Yên…, có thể cảm nhận được sức sống mới của người dân trên vùng quê Long Đức anh hùng.
Sau ngày giải phóng, bằng tinh thần và ý chí kiên cường, Đảng bộ và nhân dân Long Đức tiếp tục đoàn kết vượt khó, hàn gắn những vết thương chiến tranh, lao động sáng tạo để ngày một kiến thiết quê hương trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Trà Vinh vào năm 2013.
Bí thư Đảng ủy xã Long Đức Lê Văn Mạnh cho biết: Xuất phát điểm của nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu nên Đảng bộ xã xác định để phát triển kinh tế cần chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, không thể sản xuất theo cách “Con trâu đi trước, cái cày theo sau” mãi được. Cùng với đó, tranh thủ sự đầu tư của tỉnh trên địa bàn, cụ thể là Khu Công nghiệp Long Đức, xã đẩy mạnh công tác vận động chuyển đổi cơ cấu lao động.
Đến nay, xã có khoảng 1.600 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp (chiếm 80% diện tích đất nông nghiệp được chuyển sang trồng bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, dừa Mã lai kết hợp nuôi gà thả vườn, trồng hoa kiểng… cho thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng/ha/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 của xã đạt hơn 390 tỉ đồng.
Để phát triển sản xuất, Đảng ủy xã Long chủ trương thực hiện vai trò tiền phong gương mẫu. Đầu tiên là gia đình Bí thư Đảng ủy xã xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn có sử dụng đệm lót sinh học, với số lượng 2.000 con, mỗi năm nuôi 3 đợt, thu nhập hơn 120 triệu đồng. Từ mô hình này, đến nay toàn xã có 200 hộ làm theo với số lượng gà được nuôi từ 1.000 - 2.000 con và gần 1.000 hộ nuôi với số lượng từ 200 - 500 con.
Xã hiện có hơn 1.930 lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, góp phần đưa mức thu nhập bình quân của người dân trong xã năm 2019 đạt 54,6 triệu đồng/người. Toàn xã hiện chỉ còn 6 hộ nghèo, chiếm 0,1 % tổng số hộ dân.
Ông Bùi Văn Thuận - thương binh ở ấp Vĩnh Hội phấn khởi nói: Sau 45 năm, nhớ về những tháng năm kháng chiến, người dân ở đây càng tự hào trước những đổi thay của quê hương hôm nay. Không ai bảo ai, tất cả đều cố gắng lao động sản xuất làm giàu và đoàn kết cùng nhau góp sức xây dựng quê hương. Trong mấy năm thực hiện xây dựng xã nông thôn mới, người dân đã đóng góp tiền và vật chất cùng địa phương được hơn 41 tỉ đồng.
Bí thư Đảng ủy xã Long Đức Lê Văn Mạnh chia sẻ: Đảng bộ và nhân dân Long Đức đang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025. Đảng bộ và nhân dân Long Đức tự tin với truyền thống anh hùng cách mạng cùng sự đoàn kết dân với Đảng từ trong đấu tranh và công cuộc xây dựng hiện nay, xã sẽ hoàn thành được mục tiêu đi đầu trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.