Trên tuyến Quốc lộ 13, từ huyện Chơn Thành về đến Khu căn cứ cách mạng Tà Thiết -Lộc Ninh xưa, ngày nay đã mọc lên 5 khu công nghiệp tập trung. Gần Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, một khu kinh tế với diện tích hơn 20.000 ha cũng được xây dựng.
Giải phóng Lộc Ninh -lập Căn cứ Tà Thiết
Kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 -30/4/2020), cựu chiến binh Bùi Quang Phú, người từng tham gia giải phóng Lộc Ninh bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến đấu hào hùng. Ông Bùi Quang Phú năm nay đã 72 tuổi, sức khỏe và tinh thần vẫn còn tốt. Ông đang sống tại xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng của tỉnh Bình Phước.
Dòng hồi ức của ông trở lại thời điểm đầu năm 1972, khi ông được nhận lệnh tham gia bộ đội chủ lực hỗ trợ Sư đoàn 5 trực tiếp đánh vào sân bay Lộc Ninh. "Chỉ một trận đánh, toàn thắng thuộc về quân ta. Lộc Ninh hoàn toàn được giải phóng vào ngày 7/4/1972"- ông hào hứng kể.
Sau khi được giải phóng, Lộc Ninh là địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng cho căn cứ cách mạng của quân ta. Đặc biệt, từ chỗ Lộc Ninh giải phóng, Cục Tham mưu Miền đã tiến hành xây dựng Khu căn cứ Tà Thiết. Sau đó, Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam dời từ Tây Ninh sang đóng tại Căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh (Bình Phước) để dễ tiếp cận đường mòn Hồ Chí Minh, tăng chi viện cho chiến trường miền Nam. Căn cứ Tà Thiết thời đó được mệnh danh là “Khu rừng Chính phủ”, nơi ở và làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh Miền: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh…
Căn cứ được xây dựng với quy mô lớn (diện tích khoảng 16km2), có hệ thống hầm, hào, trạm xưởng, hội trường ngầm, nhà ở, làm việc của các đồng chí lãnh đạo và nhiều công trình khác được xây dựng chắc chắn, bảo đảm cho việc huấn luyện, chiến đấu. Căn cứ là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào miền Nam để chuẩn bị cho việc phát động Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp công lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Ai đã từng tiếp xúc với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, một người con sinh ra, trưởng thành ở Lộc Ninh, sẽ được nghe ông kể về vùng đất giàu thuyền thống cách mạng trên quê hương Bình Phước.
Mỗi khi về thăm Khu căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (thường gọi Căn cứ Tà Thiết), Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đều xúc động nhắc về những trang lịch sử hào hùng làm nên chiến thắng, giải phóng quê hương. Biết bao xương máu các anh hùng, liệt sĩ đã đổ xuống vùng đất này. Còn đó những địa danh như khu mộ tập thể 3.000 người ở Bình Long; trận đánh máu lửa “Tàu Ô, Xóm Ruộng” làm địch khiếp vía; Khu căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết) – Lộc Ninh...
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, vai trò lịch sử và sự đóng góp của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Phước (ngày trước là hai tỉnh Bình Long và Phước Long) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngày 23/3/1975, trung tâm tỉnh lị An Lộc, tỉnh Bình Long - vùng đất Bình Phước (ngày nay) hoàn toàn được giải phóng. Chiến thắng này góp phần cùng quân và dân các tỉnh miền Nam, các binh đoàn chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế
Ngày 23/3/2019, về thăm, dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết xưa), nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tự hào về vùng đất Bình Phước anh hùng, giàu truyền thống cách mạng này. Bày tỏ lòng tri ân đến người dân, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Phước, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ: Dòng sông Bé phải mãi mãi ghi nhớ công lao các Anh hùng, Liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ quê hương. Bình Phước làm tôi luôn ấn tượng, bởi vùng đất này chứa đựng nhiều tiềm năng, lợi thế.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tin rằng trong thời gian tới, Bình Phước sẽ trở thành một tỉnh nằm trong nhóm phát triển khá của cả nước.
Đến nay, sau 45 năm ngày giải phóng và 23 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đạt được những kết quả vượt bậc. Riêng năm 2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh lần đầu tư tiên vượt hơn 9.000 tỉ đồng. Bình Phước đang hướng tới tự chủ thu chi ngân sách. Từ ngày tái lập tỉnh (năm 1997), tỷ lệ hộ đói nghèo toàn tỉnh còn gần 18%; đến năm 2000, tỉnh đã cơ bản xóa được hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều giảm còn 2,56% vào tháng 3/2020.
Hiện toàn tỉnh Bình Phước đã có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 4.700 ha đã được phê duyệt, 5/11 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có đã lấp đầy 100%, hàng loạt khu công nghiệp mới đang chuẩn bị được đầu tư, mở rộng… Toàn tỉnh đã thu hút được 230 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 2,4 tỉ USD; vốn đầu tư trong nước đạt hơn 80 ngàn tỉ đồng. Đây là những con số ấn tượng nói lên sự hấp dẫn của Bình Phước đối với các nhà đầu tư trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia kinh tế, Bình Phước là tỉnh có lợi thế rất lớn so với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh có quỹ đất rộng, khí hậu ôn hòa, ít khi xảy ra lụt bão. Đặc biệt, Bình Phước có cốt nền cao ráo, phù hợp cho phát triển công nghiệp – đô thị.
Song song đó, tỉnh có Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giáp Campuchia với tổng diện tích quy hoạch hơn 28.000 ha, trong đó gần 3.600 ha khu trung tâm đã được đưa vào hoạt động. Một cảng cạn ICD Hoa Lư được thiết kế cho giai đoạn năm 2020-2030, có công suất 500.000-900.000 container/năm cũng đang được đầu tư xây dựng. Đây sẽ là khu tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan vào Việt Nam và ngược lại. Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư là một trong những khu kinh tế được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đón đầu xu hướng phát triển của khu vực.
Đáng chú ý, Dự án cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh đến huyện Chơn Thành của Bình Phước có chiều dài hơn 70km vừa được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư. Có con đường cao tốc này sẽ tạo cầu nối biến Chơn Thành sớm trở thành trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh; đồng thời là trung tâm trung chuyển logistics đến cảng nước sâu, nhanh chóng đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hóa.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Phước quyết tâm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển đô thị. Tỉnh phát huy vai trò của cơ quan xúc tiến đầu tư để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như: Du lịch - dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ...
Bình Phước tập trung xây dựng đô thị hóa theo hướng lấy thành phố Đồng Xoài làm trung tâm, mở rộng các đô thị vệ tinh như hai thị xã Bình Long, Phước Long và huyện Chơn Thành, hình thành chùm đô thị gắn với các khu công nghiệp để mở rộng không gian phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Hàng tháng, UBND tỉnh đều có những buổi tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan... là nhiệm vụ quan tâm hàng đầu hiện nay của tỉnh. Mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử dần được hoàn chỉnh. Tất cả vì mục tiêu “giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất, thông thoáng nhất cho các nhà đầu tư khi đến với Bình Phước.
Với quyết tâm đổi mới và phát triển của Đảng bộ và chính quyền cùng với sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong tỉnh, Bình Phước đã và đang hội đủ tất cả các yếu tố về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để sớm về đích tỉnh đạt chuẩn “công nghiệp hóa”.