Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Có lộ trình để tránh tạo 'cú sốc'

Trong khuôn khổ Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều nay (27/11), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Chia sẻ bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết, nhưng phải dựa trên cơ sở cân nhắc sự hài hòa giữa tăng thu ngân sách nhà nước; thay đổi hành vi tiêu dùng với đảm bảo việc làm cho người lao động và tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai): Áp dụng đồng bộ, hữu hiệu các công cụ với mặt hàng thuốc lá

Tôi đồng tình với việc điều chỉnh tăng thuế thuốc lá để thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước, các cam kết gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC).

Với mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc và bảo vệ sức khỏe người dân, Việt Nam đang áp dụng đồng thời các công cụ gồm: Thuế, chống mua bán thuốc lá bất hợp pháp, các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá thông qua Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bắt đầu từ năm 1999, Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 45%, tăng dần cho đến năm 2019 là 75% và duy trì đến nay; trong đó, từ năm 2016, mức tăng tại mỗi lần điều chỉnh chỉ 5% và khoảng thời gian giữa các lần tăng từ 3-4 năm.

Đây là mức tăng và lộ trình phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng. Điều này cũng giúp doanh nghiệp ngành sản xuất thuốc lá có đủ thời gian để chuẩn bị, hoạch định được chiến lược và chính sách phù hợp, sản xuất ổn định, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả đóng góp ngân sách nhà nước.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ năm 2019 đến tháng 10/2024, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với thuốc lá lậu khoảng 48 tỷ đồng, số lượng tịch thu trong năm cao nhất là gần 700.000 bao thuốc lá các loại. Kết quả này còn khá ít ỏi so với thực trạng của thuốc lá lậu. Riêng năm 2023 đã có khoảng 540 triệu bao thuốc lá nhập lậu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, gây thất thu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt là gần 4.000 tỷ đồng.

Về tình hình sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, theo Báo cáo kiểm toán số 1081 (ngày 5/9/2024) của Kiểm toán Nhà nước, nguồn thu của quỹ tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, từ năm 2019, quyết toán cho việc sử dụng quỹ đạt kết quả thấp, chỉ đạt 30% so với tổng thu bình quân và đang giảm dần.

Cụ thể, năm 2023 chỉ quyết toán được 17% so với số thu và so với kế hoạch đặt ra cũng chỉ đạt được 43,5%. Tồn quỹ giai đoạn từ năm 2021-2023 rất lớn với hơn 2.174 tỷ đồng. Như vậy, hiệu suất hoạt động và kết quả đạt được còn hạn chế, chưa thực sự phát huy được nguồn lực của quỹ.

Có thể thấy, từ thực tế triển khai của 3 công cụ vừa nêu trên, việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần nhưng chưa đủ.

Do đó, cần phải xem xét đồng thời các công cụ đang có để phát huy hiệu quả từng công cụ, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra.

Đối với công cụ thuế, dự thảo lần này đang đề xuất bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối với mức tăng ở cả 2 phương án là từ 20-100% mỗi năm và tăng liên tục hàng năm, trong khi mức tăng tổng cộng trong 20 năm (từ 1999 - 2019) chỉ có 30%.

Như vậy, mức tăng và lộ trình tăng trong dự thảo là quá nhanh và dồn dập, chưa từng có tiền lệ. Tôi đề xuất, việc áp dụng mức thuế tuyệt đối ngay từ khi điều chỉnh lần này không nên đột ngột và mỗi lần tăng phải có khoảng cách thời gian ít nhất là 3 năm như đã thực hiện trong giai đoạn trước đây.

Hiện nay, các nước có cùng biên giới với Việt Nam không có chính sách kiên quyết như tại Việt Nam. Đường biên giới của Việt Nam trải dài hơn 4.600 km và việc quản lý, phòng chống thuốc lá lậu cũng còn chưa hữu hiệu...

Các yếu tố này cộng hưởng với mức thuế tăng quá cao sẽ làm tình trạng nhập lậu thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng diễn biến phức tạp hơn. Dự báo, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu vào năm 2030 và dần thay thế nhóm sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Do đó, mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá sẽ khó đảm bảo khả thi vì người tiêu dùng vẫn có cơ hội sử dụng thuốc lá lậu với giá cả cạnh tranh hơn rất nhiều, dù chất lượng và thành phần trong thuốc lá lậu không được kiểm định, kiểm soát. Từ đó, sẽ làm tăng nguy cơ tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng và trầm trọng thêm các vấn đề về y tế công cộng, an ninh trật tự, xã hội và môi trường.

Tôi cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần cân nhắc, đánh giá tác động toàn diện để có lộ trình và mức tăng thuế phù hợp đối với thuốc lá. Đồng thời, có các biện pháp áp dụng đồng bộ và hữu hiệu các công cụ, không nên chỉ tập trung vào việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Viêt Tôn/Báo Tin tức

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Lùi thời gian áp dụng với mặt hàng rượu, bia

Mục tiêu chính và tính hiệu quả của thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm thay đổi hành vi người tiêu dùng đối với những sản phẩm có tính độc hại cho sức khoẻ cá nhân hoặc ảnh hưởng đến môi trường, chứ không phải là để thu ngân sách. Do đó, khi đưa ra giải pháp tăng thuế cần phải đánh giá khả năng đáp ứng đồng thời hai mục tiêu đó là có thay đổi hành vi tiêu dùng hay không và tác động đến thu ngân sách như thế nào.

Nếu đưa ra một giải pháp mà mục tiêu chuyển đổi hành vi không đạt được như kỳ vọng và thu ngân sách cũng không bền vững, thì phải xem xét lại.

Hiện nay, Chính phủ đang phải kích cầu tiêu dùng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Mấy năm qua, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu là nhờ xuất khẩu, trong khi tiêu dùng trong nước vẫn đang rất chậm. Do đó, nếu tăng giá của bất kỳ mặt hàng tiêu dùng nào trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống sẽ ảnh hưởng lập tức đến tăng trưởng kinh tế, nên có lẽ cũng cần phải xem lại.

Tôi băn khoăn với mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo 2 phương án mà Bộ Tài chính đề xuất đều dẫn đến giảm tăng trưởng GDP và giảm thu ngân sách do giảm tiêu dùng và các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng suy giảm.

Từ thực tiễn này, tôi cho rằng rất cần cân nhắc lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia và cách thức đánh thuế như thế nào cho hiệu quả.

Mục tiêu chính của thuế tiêu thụ đặc biệt là để thay đổi hành vi thì phải để cho người tiêu dùng nhận biết được việc đánh thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của họ và nếu không thay đổi thì mục tiêu đặt ra là không đạt, trong khi lại chịu ảnh hưởng rất lớn.

Tôi đề nghị tăng thuế mạnh ngay lần đầu tiên, nhưng phải lùi thời gian áp dụng. Theo đó, ban hành Luật vào năm 2025 nhưng thời gian áp dụng lùi lại so với Dự thảo (bắt đầu từ năm 2027) để tăng cường việc tuyên truyền giúp người tiêu dùng có thời gian thay đổi hành vi. Đồng thời, để các doanh nghiệp chuẩn bị, nghiên cứu phương án chuyển đổi sản xuất sang các mặt hàng tác động ít đến sức khỏe và được khuyến khích hơn.

Có thể đánh thuế lần đầu cao, sau đó dừng 5 năm. Chẳng hạn, từ năm 2027 bắt đầu đánh thuế cao với rượu, bia. Sau đó, năm 2032 lại đánh thuế tiếp để người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi chứ không tăng đều đều hằng năm như phương án đề xuất của Bộ Tài chính.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh): Tránh tạo cú sốc đến sản xuất bia

Tôi ủng hộ việc nên tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá, rượu. Tuy nhiên, riêng đối với mặt hàng bia thì nên có cân nhắc.

Việc đánh thuế tăng với mặt hàng bia phải đảm bảo cân nhắc sự hài hòa giữa việc tăng thu ngân sách nhà nước với việc nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách; đảm bảo nghĩa vụ quyền lợi của các tầng lớp nhân dân; đảm bảo việc làm; tăng trưởng kinh tế.

Về lộ trình triển khai thuế phải đảm bảo có sự cân nhắc, tránh tạo ra cú sốc ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ đang có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm.

Thúy Hiền – Văn Giáp (TTXVN)
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Cần tính toán để có lộ trình phù hợp
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Cần tính toán để có lộ trình phù hợp

Sáng 22/11, tiếp tục đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN