Tiếp đến là thảo luận ở tổ về: dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bên lề Quốc hội, Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, Chính phủ cần phải tính toán để có lộ trình phù hợp đối với phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân, chứ không phải cứ tăng thuế là tạo được nguồn thu tốt hơn.
Ngày hôm nay, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); trong đó, có việc áp dụng thuế đối với rượu, bia nước giải khát. Ông có ý kiến thế nào về điều này khi có những ý kiến cho rằng chúng ta cần phải có lộ trình áp dụng thuế rõ ràng vì còn phải xét đến mục tiêu phát triển kinh tế hay tạo công ăn việc làm?
Tôi ủng hộ việc tăng thuế đối với rượu, bia, thuốc lá trong thời gian tới. Đương nhiên chúng ta cần phải tính toán để có lộ trình phù hợp đối với phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân, chứ không phải cứ nghĩ tăng thuế là tạo nguồn thu tốt hơn.
Nếu chúng ta tăng nhiều quá thì khả năng đầu tư hay nhu cầu của xã hội sẽ giảm đi, từ đó, nguồn thu trong tương lai sẽ giảm dần. Vì vậy, Chính phủ cần phải thận trọng và đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Việc tăng thuế, tôi đồng ý vì nhu cầu xã hội đối với mặt hàng này sẽ ngày càng lớn và thu nhập người dân cũng sẽ tăng trong tương lai. Tôi thấy mức tăng trong thời gian tới là phù hợp giống với các nước khác.
Đối với thuốc lá thì có thể áp thuế ngay nhưng những mặt hàng khác như: bia thì cần có một lộ trình giãn về mặt thời gian hơn để tránh tạo cú sốc cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các nhân công trong ngành sản xuất.
Thưa đại biểu, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Nghị định số 147/2024/NĐ-CP), Chính phủ vừa ban hành quy định việc khóa tài khoản vĩnh viễn đối với các tài khoản đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc thông tin giả, xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Tôi nghĩ, Chính phủ cần phải có chế tài và quy định rất chặt chẽ và nghiêm khắc đối với các trường hợp này. Việc khóa tài khoản cá nhân đăng trên mạng xã hội khi đăng thông tin giả và nội dung xâm phạm an ninh quốc gia và các thông tin đó cần phải được loại bỏ hoàn toàn trên mạng xã hội.
Theo tôi, không chỉ khóa tài khoản không mà cần phải theo dõi đối tượng đó để không cho đối tượng đó tái phạm. Khóa tài khoản chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Do đó, cần phải truy vết và không cho phép những đối tượng đó lập tài khoản khác. Phòng trường hợp tài khoản này bị khóa thì họ lại lập tài khoản khác để tránh trường hợp họ tiếp tục vi phạm.
Đặc biệt, việc khóa tài khoản không thôi chưa đủ mà cần xử phạt. Do xâm phạm an ninh quốc gia là phải xét xử hình sự.
Theo Nghị định số 147/2024/NĐ-CP, chỉ những người đã xác minh bằng số điện thoại hoặc mã định danh cá nhân thì mới được đăng tải hay chia sẻ thông tin? Ông nghĩ thế nào về sự phối hợp giữa những cơ quan, ban, ngành như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và cả những trang mạng xã hội để cùng nhau thực hiện nghiêm túc việc xác minh?
Tôi cho rằng, những trang mạng xã hội của nước ngoài thì rất khó để có thể kiểm soát, nhưng những trang mạng xã hội trong nước thì có thể theo dõi và giám sát được. Đối với những trang mạng nước ngoài cũng cần phải cung cấp số điện thoại, email hay sinh trắc khi lập tài khoản; từ đó, cơ quan an ninh cũng có thể truy vết. Với những trang mạng nước ngoài, việc khai báo cần phải có phương pháp để khi có sai phạm có thể can thiệp ngay lập tức. Khi đó, có thể đảm bảo được môi trường mạng xã hội trong sạch.