Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Chăn nuôi cần phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp khi áp dụng vào thực tế. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận): Bổ sung, sửa đổi một số nội dung
So với dự thảo luật được trình ra tại kỳ họp thứ 5, tôi thấy dự thảo luật lần này đã được rà soát, sắp xếp lại và bổ sung nhiều nội dung phù hợp, rõ ràng; phân định cụ thể các chính sách về đầu tư, chính sách hỗ trợ theo từng thời kỳ, khả năng của ngân sách và chính sách khuyến khích đầu tư; tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện dễ dàng, thống nhất và mang tính khả thi cao.
Tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực giống, dự thảo luật có nêu: "quan tâm đến bảo tồn giống vật nuôi quí, hiếm, giống bản địa và phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh", theo tôi, qui định như thế là chưa đủ. Một trong những vấn đề cần quan tâm là việc nghiên cứu để tạo ra những giống mới, đáp ứng yêu cầu về năng suất, chất lượng và hiệu quả của vật nuôi cũng là một vấn đề cần phải có chính sách quan tâm đầu tư. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất tạo ra giống vật nuôi mới.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ chăn nuôi về phối giống nhân tạo đàn gia súc, con giống vật nuôi hiện đang thực hiện theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, chưa được tích hợp vào dự thảo luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Vì vậy, tôi đề nghị cần phải nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ về giống mới và chính sách hỗ trợ chăn nuôi về phối giống nhân tạo đàn gia súc, con giống vật nuôi vào dự thảo luật.
Liên quan đến nội dung các hành vi cấm, tôi cho rằng việc qui định các hành vi cấm như thế là chưa đúng mức, phù hợp và bao quát. Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến sản phẩm chăn nuôi mới chỉ tập trung vào việc sử dụng và nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Trong khi đó, việc nghiêm cấm sản xuất sản phẩm chăn nuôi giả, sản phẩm chăn nuôi không bảo đảm chất lượng chưa được đề cập đến.
Về thức ăn chăn nuôi cũng chỉ có một điều qui định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cũng không đề cập đến hành vi cấm về sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thực tế, chất lượng thức ăn chăn nuôi không bảo đảm là vấn đề cử tri luôn phản ánh và bức xúc, nhiều trường hợp mua và sử dụng sản phẩm nhưng cả người mua và người bán đều không biết đó là sản phẩm giả, sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung nội dung cấm sản xuất sản phẩm giả, không bảo đảm chất lượng sử dụng trong chăn nuôi vào dự thảo luật.
Dự thảo luật có nêu hành vi cấm: "Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã trừ nuôi động vật cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm", tôi đề nghị bổ sung "các thị trấn" vào dự thảo luật. Bởi hiện nay, các thị trấn cũng là khu đông dân cư, cũng diễn ra hoạt động chăn nuôi nếu không nghiêm cấm cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đến môi trường ở khu vực này.
Về quy mô chăn nuôi, dự thảo luật có quy định quy mô trang trại chăn nuôi bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, qui mô vừa và qui mô nhỏ. Và việc xác định đơn vị vật nuôi, mật độ chăn nuôi được qui định ở điều 53 là mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng sống. Theo tôi, quy định đơn vị vật nuôi như thế vẫn chưa hoàn toàn phù hợp đối với từng loại vật nuôi, trong thực tế sẽ khó khả thi khi áp dụng. Cụ thể, đối với một số loài đặc biệt như con ong thì sẽ không thể xác định quy mô trên đơn vị vật nuôi là số lượng con sống, mà đơn vị tính là số lượng đàn ong.
Về xử lý chất thải chăn nuôi, dự thảo luật có qui định: Xử lý chất thải ở cơ sở chăn nuôi trang trại, xử lý tiếng ồn từ chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ và nguyên tắc quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm chăn nuôi. Tôi cho rằng, qui định như thế là chưa cân đối, việc xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức, chỉ là 1 khoản ngắn gọn trong điều 59 là chưa phù hợp.
Thực tế, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh nhiều về mùi hôi từ các cơ sở chăn nuôi phát tán ra, gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc xử lý vi phạm về mùi hôi theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là rất khó thực hiện, chưa có quy chuẩn quy định về mức độ mùi hôi để có cơ sở xử lý vi phạm. Vì vậy, tôi đề nghị nên thiết kế thành 1 điều riêng có qui định cụ thể hơn, phù hợp hơn về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước): Khắc phục các bất cập trong chăn nuôi
Tôi cho rằng, Ban soạn thảo đã cơ bản tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội. Tại dự thảo Luật Chăn nuôi đã sửa đổi một số nội dung liên quan đến khoảng cách, vệ sinh, môi trường... đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy định hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi phải đăng ký số lượng vật nuôi với địa phương. Nội dung này đã được phân loại rõ ràng như thế nào là chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại, từng bước quản lý về vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Điểm mới được đưa vào dự thảo Luật Chăn nuôi lần này là việc kê khai vật nuôi của các chủ trang trại. Trước đây, chưa có quy định về kê khai vật nuôi, gây khó khăn trong việc kiểm soát đàn nuôi cho các cơ quan quản lý. Nay việc này đã được đưa vào quy định trong Luật, từ đó kiểm soát được quy mô chăn nuôi và có quy hoạch.
Bên cạnh đó, có các quy định liên quan đến việc cấm nuôi tại khác khu vực nội đô (trước đã có tình trạng nuôi gia cầm ngay trong chung cư) gây ô nhiễm môi trường...; đồng thời, không có quy chế để xử lý. Nếu quy định này đưa vào Luật thì sẽ có cơ chế xử lý như xử phạt hành chính đối với các vi phạm như trên.
Hiện nay, ở nhiều nơi trong cả nước vẫn tồn tại tình trạng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Chăn nuôi cũng đưa các quy định, điều kiện cho các cơ sở giết mổ... nhằm kiểm soát và hạn chế dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời thúc đẩy các cơ sở giết mổ tập trung, đáp ứng đủ điều kiện về đảm bảo bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo tôi, Luật Chăn nuôi ra đời sẽ giúp ngành chăn nuôi hướng tới nền chăn nuôi công nghiệp, sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc... đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng yên tâm hơn với các sản phẩm chăn nuôi, tránh tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm như vẫn diễn ra hiện nay. Ngoài ra, Luật Chăn nuôi cũng khắc phục được nhiều bất cập đang tồn tại hiện nay.
Tuy nhiên, tôi cũng kiến nghị, nếu Luật Chăn nuôi ra đời thì các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư cần phải tránh tình trạng các văn bản dưới Luật còn nhiều điều khoản bất hợp lý, không phù hợp, gây khó khăn khi triển khai. Đồng thời, giảm các thủ tục hành chính...