Sự kiện trong tuần: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng

Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 vừa được Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trang trọng; Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đưa 30 ngư dân gặp nạn trên biển vào bờ an toàn… là những vấn đề được bạn đọc quan tâm trong tuần qua.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng

Tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020). Lễ kỷ niệm được truyền hình trực tiếp và tổ chức trực tuyến tại điểm cầu chính Phòng khánh tiết và khu vực trưng bày chiếc xe tăng 390 trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất và 45 điểm cầu tại UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Thành đoàn và các sở, ngành, quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

“Chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói.

Chú thích ảnh
Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), sáng 30/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác đến thăm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cách đây 45 năm của nhân dân ta do Đảng, Bác Hồ kính yêu lãnh đạo đã để lại cho hôm nay những thành quả vĩ đại cùng những giá trị lịch sử trường tồn. Đó là chân lý "Không có quý hơn độc lập tự do", độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng và thực hiện đường lối đúng đắn sáng tạo độc lập tự chủ, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đó là tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân toàn diện với nghệ thuật quân sự sáng tạo phong phú cả về phương pháp cách mạng và phương pháp tiến hành; đó là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, xây dựng mặt trận thống nhất trong cả nước và trên thế giới; đó là xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ để sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định của mọi thắng lợi.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 45 năm năng động, sáng tạo, đoàn kết, nghĩa tình, phấn đấu với quyết tâm cao để xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố xứng đáng và vinh dự thành phố mang tên Bác - thành phố anh hùng.

Sau 45 năm xây dựng, phát triển, hàn gắn vết thương chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn như kinh tế tăng trưởng cao nhất, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa và thu ngân sách của cả nước…

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thời gian tới, Thành phố tích cực chuẩn bị chuyển sang giai đoạn phát triển sản xuất kinh doanh và phục hồi các hoạt động xã hội, đồng thời ngăn chặn lây lan dịch COVID-19, không để xảy ra dịch trên địa bàn Thành phố.

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố cần tiếp tục chủ động phát huy các nguồn lực hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016-2020), Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết 16 Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố; tập trung triển khai trong điều kiện bình thường mới, các ngành, các cấp cần nghiêm túc quyết liệt phòng dịch COVID-19 để kiểm soát lây nhiễm, không để xảy ra dịch là tiền đề kiên quyết để phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; tập trung tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong thời gian tới, Đảng bộ Thành phố tập trung lãnh đạo để Thành phố không ngừng đổi mới, sáng tạo phát triển toàn diện vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Thành phố tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới trong điều kiện bình thường mới, phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động…

Thành phố tập trung phát triển hài hòa giữ kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường thích ứng biến đổi khí hậu, khơi dậy khát vọng của nhân dân Thành phố, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự cường, truyền thống năng động sáng tạo, phát huy nền tảng văn hóa xây dựng gia đình hạnh phúc để Thành phố và đất nước phát triển bền vững, đào tạo nhân lực chất lượng cao hướng tới trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên. Đảm bảo phát triển kinh tế -xã hội đi đôi với quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng trong mọi tình huống không để bị động bất ngờ đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của Thành phố…

Tăng cường kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) họp giao nhiệm vụ cho các giáo viên sẵn sàng đón học sinh trở lại vào ngày 4/5 tới đây. Ảnh: TTXVN phát

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các cấp các ngành, lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch đã liên tục ngày đêm đảm bảo an toàn cho người dân. Cả nước đã có hơn 10 ngày không phát hiện thêm trường hợp mắc COVID-19 tại cộng đồng; khoảng 60% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có dịch, hệ số lây nhiễm được kiểm soát, vào hàng thấp nhất thế giới; nước ta đã kiểm soát và cơ bản đẩy lùi dịch bệnh. Đó là kết quả của chiến lược, các biện pháp phòng, chống dịch đúng đắn, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.

Tuy nhiên, diễn biến dịch ở các nước trên thế giới, kể cả những nước gần Việt Nam vẫn rất phức tạp, đòi hỏi cả nước tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải luôn luôn sẵn sàng ở mức cao nhất, đặc biệt là đối với lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch. Các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch đã đề ra, kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập, cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm bệnh; nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả; theo dõi chặt chẽ sức khỏe những người đã khỏi bệnh, xử lý kịp thời các trường hợp tái phát.

Các bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế cần tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài (qua đường hàng không, hàng hải, đường thủy, đặc biệt là qua tuyến biên giới trên bộ, chú ý qua cửa khẩu hoặc đường mòn, lối mở); tiếp tục cho phép nhập cảnh đối với các trường hợp là chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư… nhưng phải thực hiện biện pháp cách ly phù hợp yêu cầu phòng, chống dịch.

Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có phương án giám sát y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam mà không phải cách ly tập trung 14 ngày. Tiếp tục nới lỏng các hạn chế, khôi phục dần các hoạt động kinh tế - xã hội, khởi động tích cực và cần tăng tốc ở những lĩnh vực có hệ số an toàn cao, trên cơ sở bảo đảm phòng, chống dịch chặt chẽ.  

Các bộ, ngành, địa phương cần có phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, cung cầu hàng hóa, sản phẩm thiết yếu, phù hợp mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên từng địa bàn.

Lưu ý việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không được cao hơn yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và phải tạo điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là cấp cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” với tinh thần chung là chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo bảo đảm một kỳ nghỉ lành mạnh, an toàn cho người dân, ngăn ngừa dịch bệnh, an toàn giao thông. Người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg; các đơn vị phân công người trực; riêng hệ thống phòng, chống dịch bệnh phải hoạt động 100%...

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể công tác bảo đảm an toàn cho học sinh sinh viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện; mở lại hoạt động du lịch nội địa, lưu ý việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch và không tập trung đông người.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện ngay các thủ tục cần thiết, tháo gỡ ngay các rào cản để xuất khẩu khẩu trang y tế, các trang thiết bị, vật tư y tế, lưu ý việc quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm xuất khẩu; hoan nghênh các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị (như Tập đoàn Vingroup, Đại học Điện lực và nhiều đơn vị khác) đã nghiên cứu sản xuất máy thở, trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch trong nước và xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bãi bỏ giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ. Văn phòng Chính phủ khẩn trương lấy ý kiến thành viên Chính phủ về việc này.

Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp để truy vết, khoanh vùng kịp thời khi phát hiện nguy cơ lây có ca xâm nhập. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung, cải thiện cơ sở vật chất các khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện cách ly tập trung công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời gian tới (nếu có), bảo đảm an toàn.

Bộ Giao thông Vận tải căn cứ diễn biến dịch, nhu cầu đi lại của nhân dân, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn và quyết định việc tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa, vận chuyển hành khách bằng ô tô, tàu hỏa. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hoàn thiện phần mềm cài đặt trên điện thoại và đề xuất giải pháp kiểm soát.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, chính xác; hoàn thành việc hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội…

Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại nhu cầu, tăng cường quản lý mua sắm trang, thiết bị y tế cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, không để lợi dụng để trục lợi, tiêu cực; trường hợp phát hiện có dấu hiệu sai phạm, cần chuyển cơ quan thanh tra, điều tra để xử lý theo đúng quy định.

Đưa 30 ngư dân gặp nạn trên biển vào bờ an toàn

Chú thích ảnh
Tàu Trường Sa 04, Vùng 2 Hải quân đưa 30 ngư dân gặp nạn vào bờ an toàn và bàn giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN.

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân vừa tổ chức bàn giao 30 ngư dân bị nạn trên vùng biển DK1 cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, vào khoảng 3 giờ sáng 26/4, tàu cá mang số hiệu QNa 95654 do ông Tô Điệp, sinh năm 1980, trú tại thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam làm thuyền trưởng cùng 30 ngư dân đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa thì không may gặp giông, lốc lớn khiến tàu bị phá nước dẫn đến bị chìm.

Khi tàu bị chìm, 30 ngư dân đã bám vào 4 chiếc thúng. Cho đến khoảng 20 giờ 48 phút ngày 27/4, nhà giàn DK1/11 phát hiện tín hiệu đèn nhấp nháy với khoảng cách 1.000m nên thông báo các tàu của Vùng 2 Hải quân đang thực hiện nhiệm vụ trên biển đến ứng cứu.

Đến 22 giờ tối 27/4, lực lượng nhà giàn DK1/11 đã lần lượt đưa 30 ngư dân lên sàn cập tàu an toàn. Tổ quân y nhanh chóng khám, kiểm tra sức khỏe các ngư dân, trong đó 2 ngư dân bị thương nhẹ (1 người xây xát ở tay và một người ở chân), còn lại 28 ngư dân sức khỏe bình thường.

Sau 3 ngày di chuyển khẩn trương, đến sáng 1/5, tàu Trường Sa 04 đã đưa 30 ngư dân gặp nạn vào bờ an toàn và bàn giao cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo đúng quy định. Ngay sau khi tiếp nhận, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm các thủ tục bàn giao 30 ngư dân cho đại diện Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam và UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

V.T/Báo Tin tức
Nóng trong tuần: Bắt giữ nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, 'vỡ trận' cam kết lợi nhuận ở Cocobay Đà Nẵng
Nóng trong tuần: Bắt giữ nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, 'vỡ trận' cam kết lợi nhuận ở Cocobay Đà Nẵng

Trong tuần qua, dư luận quan tâm tới các vụ việc bắt giữ nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố Hà Nội do liên quan vụ án Công ty Nhật Cường và "vỡ trận" cam kết lợi nhuận ở Cocobay Đà Nẵng…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN