Tại Hội nghị, ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 25 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển, Quảng Nam đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung, đóng góp 14% số thu ngân sách tỉnh về ngân sách Trung ương. Năm 2021, quy mô kinh tế đạt hơn 102,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD, gấp 40 lần so với năm 1997); đứng thứ 2/5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, xếp thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 xếp vị trí 31/63, quy mô kinh tế xếp 18/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/năm (cả nước 85,3 triệu đồng/năm), gấp 36 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng, gấp 4 lần so với năm 2010...
Ông Võ Xuân Ca nhấn mạnh: Đạt được những thành tựu trên là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu, đồng lòng, đoàn kết của toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, các sở ban ngành, hội đoàn thể, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các chức sắc, chức việc và các tín hữu, phật tử, đồng bào có đạo… tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trong thời gian qua đã tác động mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư. Số lượng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đăng ký đầu tư trên địa bàn vùng Đông Nam của tỉnh tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay, đã có 5/7 nhóm dự án triển khai xây dựng, 2/7 nhóm dự án đang tiếp xúc đầu tư và lập thủ tục chuẩn bị đầu tư. Qua đó, năng lực hạ tầng đường bộ, đường biển, hàng không tiếp tục được tăng cường; các nhóm sản xuất công nghiệp, xây dựng dịch vụ được đầu tư ngày càng tăng về quy mô và chất lượng. Nhiều người lao động đã được tạo việc làm, đóng góp ngân sách tiếp tục duy trì trên 70% tổng thu ngân sách tỉnh Quảng Nam, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông, xử lý nước thải, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo quỹ đất sạch…
Thời gian tới, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết mới, quyết tâm xây dựng vùng Đông Nam của tỉnh trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quảng Nam phấn đấu đưa nền kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh phát triển mạnh, giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển vùng Đông Nam của tỉnh tập trung vào các nhóm dự án theo ngành, lĩnh vực, nhóm các dự án về hạ tầng chủ yếu như: Nhóm các dự án đô thị du lịch ven biển, ven sông; nhóm dự án ô tô và cơ khí đa dạng, nhóm các khu công nghiệp và công nghiệp công nghệ cao; nhóm dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không; nhóm cảng biển và logistics Chu Lai; nhóm công nghiệp hàng hóa an toàn ứng dụng công nghệ; nhóm các dự án hạ tầng, giao thông, điện, nước; nhóm các dự án về khu dân cư, tái định cư, nhà ở công nhân…