Sạt lở diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sản xuất và đời sống người dân Tiền Giang

Hiện nay, tình trạng sạt lở, sụt lún đất tại tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, để lại những hậu quả nghiêm trọng và khó lường, ảnh hưởng sản xuất và đời sống của nhân dân cũng như đe dọa an toàn giao thông.

Chú thích ảnh
Điểm sạt lở nghiêm trọng gần cầu kênh 14, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Ảnh: TTXVN

Các huyện, thị nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công; các huyện đầu nguồn vùng kiểm soát lũ phía Tây, khu vực vùng Đồng Tháp Mười… là những địa bàn thường xuyên xảy ra sạt lở.

Ở Tiền Giang, có đặc điểm thường kết hợp giữa làm thủy lợi phục vụ sản xuất, lấy nước tưới tiêu với phát triển giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và xây dựng nông thôn mới. Do vậy, khi bờ sông, bờ kênh rạch sạt lở, kéo theo đường giao thông cặp kênh mương, sông rạch bị cắt đứt, việc khôi phục rất tốn kém.

Sạt lở cũng rất bất ngờ, khó dự báo trước. Trong tháng 4/2020, bờ sông Đường Nước đoạn qua xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy bị sạt lở nghiêm trọng. Một đoạn đường nhựa dài trên 50 m cặp theo bờ phía Tây sông Đường Nước cũng vì vậy mà bị lở xuống dòng sông, cắt đứt giao thông, ảnh hưởng việc đi lại, sản xuất của nhân dân trong khu vực.

Tháng 5 vừa qua, bờ Đông kênh Ông Mười bị sạt lở đã kéo theo một đoạn đường huyện gần 50 m, khu vực giáp ranh giữa xã Phú Quí (thị xã Cai Lậy) và xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) bị sụt xuống kênh, giao thông gián đoạn. Người dân sở tại cho biết, rất may thời điểm thiên tai xảy ra đường vắng nên không có thiệt hại nghiêm trọng về người. Ngành chức năng đã cắm biển cảnh báo và ngăn các phương tiện cơ giới 3, 4 bánh trở lên lưu thông qua đoạn đường này để chờ triển khai phương án khắc phục.

Trước đó, một đoạn đường tỉnh 873, đoạn qua xã Bình Xuân, thị xã Gò Công dài hàng trăm mét bất ngờ bị sạt lở xuống sông Vàm Gié, khiến giao thông qua tuyến đường này bị cắt đứt. Hiện, các ngành chức năng đang khẩn trương khắc phục.

Còn tại huyện Gò Công Tây, theo báo cáo của UBND huyện Gò Công Tây, từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở kênh mương và đường giao thông trên địa bàn diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại đối với sản xuất và đời sống. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tuyến kênh 14 và đường chạy cặp theo hai bên bờ kênh bị sạt lở nhiều đoạn với mức độ hết sức nguy hiểm. Theo thống kê, có 30  hộ dân bị thiệt hại do sạt lở, trong đó có 1 căn nhà bị sạt lở hoàn toàn, 2 căn bị sạt lở từ 70 - 75%; 11 hộ bị thiệt hại về đất sản xuất với diện tích sạt lở mất đất lên đến gần 3.800 m2; 16 hộ khác bị thiệt hại về hoa màu, cây trái…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, chỉ riêng khu vực các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công hiện ghi nhận hơn 100 điểm sạt lở, với chiều dài gần 12.000 m và thiệt hại về nhà ở, vật kiến trúc của 45 hộ dân. Để khắc phục, cần nguồn kinh phí ước tính 45 tỷ đồng.

Do đặc thù vùng dự án ngọt hóa Gò Công, thời gian qua, ngành chức năng phải tập trung bơm nước tối đa phục vụ sản xuất, chống hạn ứng cứu cây trồng khiến các kênh mương khô cạn trơ đáy. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất hết sức phức tạp trong thời gian gần đây ở vùng dự án.

Nguyên nhân sạt lở do nền đất yếu, sự lưu thông của phương tiện thủy gây sóng to; đặc điểm hình thái sông rạch tại Tiền Giang trong đó các đoạn cong tạo dòng chảy áp sát bờ gây sạt lở cũng như việc xây dựng nhà ở, các công trình hạ tầng quá gần bờ sông như: đê, đường giao thông, bãi tập kết vật liệu xây dựng… làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ.

Tùy theo vùng, địa bàn và đặc thù thổ nhưỡng, nguyên nhân sạt lở... địa phương đưa ra những giải pháp ứng phó căn cơ theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo ổn định được sản xuất và đời sống nhân dân địa phương. Trong đó, ngoài giải pháp về công trình, tổ chức thi công, kiên cố hóa bờ kênh mương và đường giao thông nông thôn, Tiền Giang còn chú ý các giải pháp phi công trình như: Khuyến khích trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió, gây nuôi lục bình và các cây trồng thích hợp để giữ lại phù sa, bồi bổ, tạo bãi phòng chống sạt lở...

Hàng năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thị, thành tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa sạt lở; nghiêm cấm xây dựng nhà ở, công trình tạm trong phạm vi 20 - 30 m tính từ mép bờ sông khi chưa có công trình bảo vệ bờ.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, Tiền Giang còn đầu tư hơn 556 triệu đồng thực hiện mô hình kè giữ và gây trồng lục bình ven các tuyến sông nhằm tạo bãi bồi, phòng chống sạt lở tại các huyện vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh như: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước… bước đầu đã mang lại những kết quả tốt.

Minh Trí (TTXVN)
Sạt lở 'bủa vây' tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh An Giang
Sạt lở 'bủa vây' tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh An Giang

Sau gần một năm kể từ vụ sạt lở đất làm mất gần 100m Quốc lộ 91, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang) thì mới đây, ngày 27/5, cũng trên tuyến Quốc lộ này, lại tiếp tục xuất hiện sạt lở với chiều dài hơn 40m, đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 29 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN