Ông đánh giá thế nào về công tác tuyên truyền, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước lần này?
Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… về công tác chuẩn bị cho bầu cử, qua đó thấy rằng, dù có nhiều điểm mới trong bầu cử nhưng chính quyền địa phương các nơi đã vào cuộc rất mạnh mẽ, thực hiện đúng theo Luật Bầu cử mới. Các địa phương đã tiếp cận rất nhanh, ví dụ ở huyện Vân Thành (Hải Dương), có xã đã ban hành tới 27 văn bản chỉ đạo trong 2 tháng để hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử.
Sáng 4/5, Hội đồng bầu cử tỉnh, thành phố Vũng Tàu và Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) tổ chức bỏ phiếu bầu cử sớm tại 2 địa điểm bỏ phiếu cho các cử tri là kỹ sư, công nhân làm việc dài ngày trên các tàu dịch vụ, giàn khoan dầu khí ngoài khơi. Trong ảnh: Kỹ sư, công nhân Vietsovpetro bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu sân bay thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương - TTXVN |
Cho tới nay, các địa phương đều chủ động chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp bảo đảm đúng luật, đúng tiến độ. Việc tuyên truyền, phổ biến về bầu cử đã được các cấp, ngành tổ chức sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Ban Chỉ đạo, Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt các hội nghị hiệp thương, lựa chọn nhân sự bảo đảm công khai, minh bạch; tổ chức lớp tập huấn cho các ứng cử viên là người trẻ tuổi, lần đầu tham gia ứng cử. Đồng thời chuẩn bị tốt việc niêm yết danh sách người ứng cử; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo đúng tiến độ đề ra.
Xin ông cho biết, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia ứng cử ĐBQH lần này được phân bổ như thế nào để đảm bảo hợp lý theo các vùng, miền, khu vực quan trọng, khó khăn?
Việc phân bổ đòi hỏi phải có sự hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH ở từng địa phương, bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương. Do đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành viên Chính phủ được phân bổ đồng đều theo các vùng miền Bắc - Trung - Nam, vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, ứng cử tại Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tại TP Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử ở Hải Phòng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ứng cử tại Cần Thơ; Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ứng cử tại Đà Nẵng; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ứng cử tại tỉnh Lâm Đồng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ứng cử tại tỉnh Đồng Nai...
Có một điểm mới là quyền bầu cử của những người đang bị tạm giam, tạm giữ, người cai nghiện đã được luật định, vậy Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ làm gì để bảo đảm cho những người này được thực hiện quyền của mình, thưa ông?
Đây là quy định mới, chưa từng có tiền lệ. Theo đó, cho đến thời điểm 24 giờ trước lúc bỏ phiếu, danh sách cử tri vẫn được cập nhật. Với cử tri là người đang bị tam giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh ở nơi người đó đang bị tạm giữ, tạm giam.
Về hình thức bỏ phiếu, các địa phương sẽ linh hoạt áp dụng. Ví dụ, ở các nơi tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc… không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng thì tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện quyền bầu cử của mình.
Để bảo đảm thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, xin ông cho biết, trong thời gian tới các địa phương cần lưu ý thêm những gì về công tác chuẩn bị bầu cử?
Cuộc bầu cử sắp tới nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân để tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Vì vậy, từ nay đến ngày 22/5, các tỉnh, thành phố cần tập trung tuyên truyền về tiêu chuẩn của người đại biểu dân cử, công tác vận động bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri, cách thức tiến hành bầu cử, diễn biến, tiến độ bầu cử ở các địa phương, vận động người dân tích cực tham gia bỏ phiếu, sáng suốt trong việc thực hiện quyền bầu cử, không bỏ phiếu thay cho người khác.
Cùng với việc bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, cần giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại tố cáo, bảo đảm công bằng trong vận động bầu cử. Người dân và Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng mong muốn không để những người có khiếu kiện, tố cáo lọt vào danh sách bầu cử. Vì trong Quốc hội khóa XIII đã có hai trường hợp đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng tới uy tín của Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia.