Trong quý I/2012, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra tại một số tập đoàn lớn như: Tập đoàn hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); Tập đoàn Sông Đà; Tập đoàn Viễn thông Quân đội… Qua công tác thanh tra, phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 30.720 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 3.712 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm. Trong đó, đáng chú ý là kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tập đoàn Sông Đà sai phạm về tài chính tổng số tiền 10.676 tỉ đồng
Tập đoàn Sông Đà được thành lập từ 6 Tổng Công ty, gồm: Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA); Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI); Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (COMA); Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng; Tổng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng (DIC Corp) và Tổng Công ty Sông Đà. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong việc quản lý vốn và tài sản tại Tập đoàn Sông Đà có nhiều sai phạm, từ việc không xác định lại giá trị vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu của 6 Tổng Công ty khi bàn giao cho Hội đồng quản trị Tập đoàn đến những sai phạm trong đầu tư, thực hiện dự án.
Về sai phạm trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà và một số thành viên, kết luận thanh tra chỉ rõ: Tập đoàn Sông Đà đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ số tiền 2.335 tỉ đồng; góp vốn vào Quỹ đầu tư Việt Nam, Quỹ thành viên Vietcombank 3 số tiền l94,5 tỉ đồng, đã có nghị quyết thoái vốn nhưng vẫn không thu hồi được, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn nhà nước; sử dụng hơn 340 tỉ đồng của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, tăng vốn điều lệ, góp vốn thành lập vào các công ty cổ phần...
Tổng Công ty LILAMA đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ số tiền 3.732 tỉ đồng; sử dụng 84 tỷ đồng quỹ hỗ trợ, sắp xếp doanh nghiệp để tăng vốn điều lệ; trích thiếu hơn 7 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi; cho Công ty Vifa và Cty cổ phần LILAMA Hà Nội vay hơn 390 tỉ đồng và đầu tư vào hai Công ty này 128,7 tỉ đồng, chưa thu hồi và có nguy cơ mất vốn đầu tư... Tại các Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng, Sông Đà, LICOGI, DIC Corp, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng có những vi phạm tương tự.
Về việc quản lý sử dụng vốn tài sản ở một số dự án của Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên, kết luận nêu rõ: UBND thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng liên đới chịu trách nhiệm về những sai phạm của Tổng Công ty Sông Đà, Sudico, Bitexco và chưa chỉ đạo làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan để xảy ra những sai phạm trong việc thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì. Kết luận còn làm rõ việc Tổng Công ty Sông Đà không thực hiện Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh mà chuyển cho Sudico làm chủ đầu tư nhưng thiếu kiểm tra, giám sát và không có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những sai phạm trong việc thực hiện dự án này…
Kết luận thanh tra nêu rõ: Để xảy ra khuyết điểm, sai phạm trên có trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hà Tây (cũ), UBND TP Hà Nội, lãnh đạo Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội và tập đoàn kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan; kiến nghị Thủ tướng xử lý về kinh tế với tổng số vi phạm phát hiện qua thanh tra lên đến 10.676 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp tục làm rõ các sai phạm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Công ty cổ phần COMA3 và việc thực hiện dự án Nhà máy ximăng Đồng Bành do Công ty cổ phần ximăng Đồng Bành làm chủ đầu tư.
Tập đoàn Dầu khí sai phạm hơn 18.000 tỷ đồng
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có một số sai phạm trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng quỹ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Về sai phạm trong việc quản lý vốn tài sản của PVN: Đơn vị này đã sử dụng hơn 15.600 tỷ đồng thuộc khoản lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí; sử dụng nguồn vốn từ Quỹ nghiên cứu Khoa học và Đào tạo để đầu tư xây dựng Trường Trung học phổ thông Đất Mũi với giá trị 11,8 tỷ đồng; việc đầu tư tài chính tại các công ty liên kết và đầu tư dài hạn khác cũng như đầu tư lĩnh vực ngành phụ trợ, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản của PVN có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn nhiều so với việc đầu tư tại các công ty con 100% vốn nhà nước cũng như việc đầu tư của lĩnh vực dầu khí, tìm kiếm, thăm dò, khai thác... PVN đã thực hiện việc ứng vốn xây dựng các công trình ngoài hàng rào Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi và một số công trình thuộc các địa phương khác nhau theo chỉ đạo của Chính phủ, tổng số tiền là 1.647 tỷ đồng đã kéo dài trong nhiều năm nhưng các đơn vị được ứng vốn đều không có kế hoạch trả nợ hoặc không có khả năng thanh toán. PVN sử dụng 413 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển để xây dựng các công trình, dự án không thuộc công trình dầu khí PVN ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang với giá trị 622 tỷ đồng để các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi không có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc quản lý đầu tư xây dựng, ngoài các dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện nhà tổng thầu và cung cấp dịch vụ, PVN và các đơn vị thành viên đã chỉ định thầu một số gói thầu với tổng giá trị 775 tỷ đồng, 110,49 triệu USD, 0,602 triệu EUR cho những đơn vị không thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngoài ra, PVN mua tàu khảo sát địa chấn 2D đã quá 10 năm so với quy định đăng kiểm nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, PVN đã chuyển nhượng một số tài sản lớn như tàu thăm dò địa chấn, khách sạn Du lịch Thái Bình, nhưng các thủ tục thanh toán còn nhiều sai sót…
Về việc quản lý và sử dụng quỹ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp, tính đến 31/7/2011 (thời điểm thanh tra), PVN chưa thu hồi hết số tiền thu được từ cổ phần hóa tại một số đơn vị với tổng giá trị hơn 1.922 tỷ đồng và 185 tỷ đồng tiền lãi.
Theo TTCP, để xảy ra những sai phạm nói trên ngoài PVN, các Bộ Công Thương, Giao thông Vận tải và các tỉnh Cà Mau, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Ban Quản lý Dung Quất cũng đều có trách nhiệm.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp thu hồi khoản tiền 1.647 tỷ đồng mà PVN đã ứng vốn xây dựng các công trình ngoài hàng rào Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi và một số công trình thuộc các địa phương khác nhau nhưng các đơn vị được ứng vốn không có kế hoạch trả nợ hoặc không có khả năng thanh toán.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu PVN phải xử lý khoản tiền vi phạm hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó: thu hồi về quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp khoản tiền 1.922 tỷ đồng từ cổ phần hóa mà các đơn vị chưa nộp; báo cáo xin ý kiến Thủ tướng về việc sử dụng 15.601 tỷ đồng cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm về dầu khí; điều chỉnh lại đúng nguồn khoản tiền 11,8 tỷ đồng được sử dụng từ Quỹ nghiên cứu Khoa học và Đào tạo mà PVN đã sử dụng để xây dựng Trường Trung học phổ thông Đất Mũi; báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc tự ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang với giá trị 622.263 triệu đồng…
TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ rà soát lại tất cả những gói thầu chỉ định thầu chưa đúng quy định phân tích nguyên nhân chỉ định thầu và đánh giá hiệu quả đối với các gói thầu chỉ định sai quy định, đồng thời chấm dứt việc đình chỉ thầu các dự án của tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho các đơn vị không phải thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm...
Phúc Hằng