Chỉ ra những vấn đề mới xuất hiện
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, tiếp tục cập nhật diễn biến, tình hình về an toàn thực phẩm từ đầu năm đến nay, có so sánh với cùng kỳ về số người bị ngộ độc, thực trạng quản lý các mặt hàng có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân; từ đó chỉ ra những vấn đề mới xuất hiện, cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên hành động.
Đối với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá kỹ để triển khai theo tinh thần thống nhất một đầu mối từ Trung ương đến địa phương của Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (Chỉ thị số 17).
“Các địa phương phải dựa trên hiệu lực, hiệu quả của các mô hình quản lý an toàn thực phẩm để đánh giá những điểm làm được, chưa được. Những cấp nào cần quan tâm, đầu tư, những yêu cầu về chất lượng tổ chức, bộ máy, công cụ thanh tra, kiểm tra”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh mục tiêu là đo, đếm được hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm thông qua chuyển biến ở cơ sở.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao năng lực hệ thống phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, giám sát; quản lý chặt chẽ việc quảng cáo và xử lý nghiêm các vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
Theo lĩnh vực được giao, các bộ, ngành phải rà soát toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, hài hòa với tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển; nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm, nâng cao chế tài xử phạt, phân định rõ những việc, khâu huy động xã hội hóa hay Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn; chú trọng đối tượng hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và đoàn thể các cấp trong vận động giám sát an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng cũng gợi mở xem xét phương án thực hiện tiền kiểm đối với một số loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu, nhập lậu các mặt hàng thực phẩm, đồ uống; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan truyền thông, báo chí khi quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
Quan tâm hơn nữa đến an toàn thực phẩm ở cơ sở
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tế đã kiểm tra 250.938 cơ sở, phát hiện 40.403 cơ sở vi phạm; đã xử lý 6.324 cơ sở, trong đó phạt tiền 6.052 cơ sở với số tiền 24,73 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp đã thanh tra 6.879 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 743 cơ sở, với số tiền phạt 6,8 tỷ đồng. Ngành Công thương đã kiểm tra 3.156 vụ, xử lý 2.594 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt 12,458 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 15,486 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện 4.192 vụ với 3.852 cá nhân và 345 tổ chức vi phạm; khởi tố 13 vụ và 7 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 3.828 vụ, tổng tiền phạt vi phạm hành chính là 24,825 tỷ đồng.
Từ ngày 1/1- 21/6/2023, toàn quốc ghi nhận 57 vụ ngộ độc thực phẩm làm 864 người mắc và 13 trường hợp tử vong, đáng chú ý, xuất hiện ngộ độc do Clostridium Botulinum (loại độc tố rất hiếm gặp trước đây)…
Theo đánh giá của Bộ Y tế, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ngày càng được nâng lên. Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể hạn chế dàn trải, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng... Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế hậu kiểm để thực hiện không đúng quy định tự công bố chất lượng sản phẩm như không gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý địa phương; công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm mình sản xuất. Điều này dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm. Một số phụ gia thực phẩm nhập khẩu bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích công bố ban đầu. Nhiều doanh nhiệp không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, hậu kiểm (tỷ lệ có nơi lên đến 80%). Trong khi đó, lực lượng chức năng không có đủ nguồn lực để kiểm tra hậu kiểm, sản phẩm tự công bố đang ngày càng nhiều và phong phú (riêng Thành phố Hồ Chí Minh là 200 nghìn sản phẩm).
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính quyền cấp xã, phường trong quản lý an toàn thực phẩm. “Mọi vi phạm đều có địa chỉ cụ thể, vì vậy phải quan tâm hơn nữa đến an toàn thực phẩm ở địa bàn cơ sở”, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nói.
Đề xuất mô hình thống nhất một đầu mối
Đối với hoạt động của các Ban Quản lý an toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, các mô hình này được thí điểm thành lập trên cơ sở sát nhập các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương.
Theo đánh giá của lãnh đạo 3 địa phương, về cơ bản, việc thành lập thống nhất một đầu mối đã tổng hợp được nguồn lực quản lý, thuận tiện trong quá trình chỉ đạo triển khai, giảm thời gian trong kết hợp thanh tra, kiểm tra, bước đầu có hiệu quả trong hoạt động xử lý vi phạm, tăng cường giáo dục truyền thông thuận lợi trong chỉ đạo điều hành.
Tuy nhiên, do là mô hình thí điểm nên các hoạt động đầu tư, chỉ đạo điều hành, phối hợp quản lý với các sở, ban, ngành còn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đặc biệt, sau khi có Luật Thanh tra sửa đổi, chức năng xử phạt vi phạm hành chính không giao cho các Ban Quản lý an toàn thực phẩm nên còn khó khăn trong xử lý vi phạm.
Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã có Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, cơ cấu tổ chức hiện nay của Ban Quản lý An toàn thực phẩm không làm phát sinh biên chế mới mà sử dụng nhân sự từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương.
Đối với Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng và Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cũng như mô hình tổ chức quản lý an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành phố còn lại, theo tinh thần tại Chỉ thị số 17 và Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17, trong kế hoạch Thủ tướng đã giao, Bộ Nội Vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu để đề xuất mô hình thống nhất một đầu mối từ Trung ương đến địa phương.