Quy hoạch nêu rõ, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng thủy sản, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần đầu tư phục vụ hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Mục tiêu chung đến năm 2030, Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hệ thống cảng cá đảm bảo thông qua 2,98 triệu tấn thủy sản/năm
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên quy mô cả nước thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển theo hướng tích hợp, gia tăng giá trị khai thác sử dụng với một số chỉ tiêu sau:
Hệ thống cảng cá đảm bảo thông qua 2,98 triệu tấn thủy sản/năm (gồm 100% sản lượng hải sản khai thác và một phần sản lượng nuôi trồng thủy sản trên biển); đảm bảo thực hiện công tác quản lý nghề cá, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảm bảo sức chứa trên 83.600 tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn. 100% cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được bố trí sử dụng đất, mặt nước theo quy định tại Điều 78, Điều 84 của Luật Thủy sản 2017.
Bên cạnh đó, hình thành đầu mối giao thương quan trọng trong nước và quốc tế làm động lực phát triển các khu công nghiệp thủy sản, khu kinh tế ven biển, các Trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm; tạo sức hút, lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững.
Nâng cao năng lực thực hiện các dịch vụ tại cảng cá
Bên cạnh đó, mục tiêu đặt ra là cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực thực hiện các dịch vụ tại cảng cá, đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần nghề cá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhu cầu dinh dưỡng và thực phẩm cho nhân dân, tích hợp phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội, vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới và quốc phòng an ninh tại những nơi phù hợp.
Theo Quy hoạch, sẽ kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá từ trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý khai thác thủy sản tại cảng cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp. Áp dụng hình thức quản trị số tại tất cả các cảng cá loại I.
Trong giai đoạn 2021 - 2025 tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cảng cá loại I tại 5 Trung tâm nghề cá lớn, các cảng cá loại I và các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng được chuyển tiếp từ quy hoạch thời kỳ trước là những nơi có số lượng tàu cá lớn, thường xuyên vào neo đậu; các dự án cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên các tuyến đảo, các dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh.
Đến năm 2050, hệ thống cảng cá được phát triển đồng bộ, toàn diện, hiện đại, ngang tầm với các cảng cá lớn trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Các cảng cá loại I trong Trung tâm nghề cá lớn đóng vai trò cửa ngõ quốc tế là các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu, có sức cạnh tranh cao.
Đồng thời, Quy hoạch cũng nêu rõ nội dung về việc hoàn thiện hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo hướng hiện đại tại các đảo, đặc biệt tại hai huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Đầu tư 5 Trung tâm nghề cá lớn
Theo Quy hoạch, trong thời kỳ 2021 - 2030 sẽ đầu tư 5 Trung tâm nghề cá lớn đồng bộ trong hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần thủy sản tại các vùng biển.
1. Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Hải Phòng gắn với ngư trường vịnh Bắc Bộ tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
2. Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
3. Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa tại phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
4. Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam Bộ tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
5. Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam Bộ tại xã Tây Yên A, huyện An Biên và xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá gồm 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, 54 cảng cá loại III, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2.983.000 tấn/năm và 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (gồm 30 khu cấp vùng, 130 khu cấp tỉnh), đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá.
Theo Quy hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2030 ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần thiết yếu: Các cảng cá loại I, ưu tiên các cảng cá trong các Trung tâm nghề cá lớn; các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng; các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại các đảo; các cảng cá loại II kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hoặc đang đầu tư xây dựng dở dang, đồng thời có vai trò cảng chính phục vụ chống khai thác IUU của địa phương; các dự án cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thu hút được vốn đầu tư ngoài ngân sách.