Nêu rõ, quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý, phát triển đô thị, nông thôn, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Xây dựng phải đưa ra những cơ sở vững chắc để xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như mối quan hệ với Luật Quy hoạch và các luật khác, bảo đảm không chồng chéo hoặc có khoảng trống pháp lý.
Từ kinh nghiệm thế giới và thực tiễn của Việt Nam, Bộ Xây dựng cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt trong triết lý quy hoạch.
“Quy hoạch đô thị và nông thôn phải chi tiết đến từng khu đất, thửa đất, có tầm nhìn, giá trị hàng trăm năm và phân kỳ thực hiện theo từng giai đoạn của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý việc bổ sung quy định về thời hạn lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết sau khi có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Về quy định phân cấp, phân quyền cho địa phương trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu thể chế hóa thành các tiêu chí, điều kiện, cơ chế giám sát; đồng thời tổng kết việc thực hiện thí điểm phân cấp và trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật… tại một số địa phương để đưa vào luật.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã có văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024.
Theo đó, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn xác định các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã, thị trấn; quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã; quy hoạch khu chức năng đối với khu vực có tính chất đặc thù; quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Các đô thị trên cả nước được phân thành loại đặc biệt, loại I, II, III, IV và V, dựa trên vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội; quy mô, mật độ dân số; cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Cũng tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành tiếp tục thảo luận, làm rõ mối quan hệ của các cấp độ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; nội hàm quy hoạch nông thôn; thời hạn hiệu lực của quy hoạch; quy trình, thủ tục, điều kiện phân cấp, phân quyền cho địa phương phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch cục bộ; bảo đảm sự đồng bộ với pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai bảo vệ môi trường, quản lý tài sản công...