Khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng cho biết, quá trình thực hiện Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được sự tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến của các bộ, cơ quan ngang Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải,…các ban, ngành, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các chuyên gia sâu trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Nội dung Quy hoạch đã thể hiện rõ quan điểm về tầm quan trọng, mục tiêu tổng quát đối với công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản được chỉ đạo trong Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 1/4/2023.
Theo đó, 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch, thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2030 đã bao gồm đầy đủ các nội dung điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản. Một số nhiệm vụ được tăng cường, mở rộng nhưng cũng đi sâu vào chi tiết, cụ thể như: Đánh giá tiềm năng khoáng sản các khu vực có triển vọng mới phát hiện, quy mô lớn, cần thiết, có nhu cầu cao đối với kinh tế - xã hội như các khoáng sản kim loại quan trọng (urani, thori, đất hiếm và kim loại hiếm, thiếc, wolfram, đồng, nikel, vàng,...), cát sỏi lòng sông, đá làm ốp lát, cát trắng silic, đá làm vôi công nghiệp. Điều tra chi tiết tai biến địa chất tại các vùng miền núi có nguy cơ cao…
Quy hoạch tiếp tục đưa vào các nhiệm vụ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư đánh giá tiềm năng khoáng sản.
Quy hoạch đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó, có 3 giải pháp mang tính đột phá gồm: Cơ chế quản lý, tài chính cho các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; ứng dụng khoa học và công nghệ; đào tạo, tăng cường năng lực.
Với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Cục trưởng Trần Bình Trọng nhấn mạnh, việc thực hiện Quy hoạch sẽ thu được những kết quả quan trọng, cung cấp những số liệu về tiềm năng, tài nguyên các loại khoáng sản, làm tiền đề cho việc thăm dò, khai thác, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nguyên khoáng để phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Các kết quả điều tra địa chất sẽ cung cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhu cầu thông tin về địa chất cho các ngành, địa phương trong việc quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Kết quả thực hiện Quy hoạch sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, những đóng góp to lớn của ngành địa chất, khoáng sản đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 680/QĐ-TTg ngày 10/6/2023. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các tiền đề địa chất và dấu hiệu về các khu vực triển vọng khoáng sản mới phát hiện, trên cơ sở nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất, nhu cầu nguyên liệu khoáng của đất nước trong giai đoạn hiện tại và trong tương lai. Quy hoạch đã kế thừa và phát triển Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Để thực hiện thành công Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong nhận được sự quan tâm của Chính phủ, sự hợp tác của các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai các nhiệm vụ quy hoạch trên các địa bàn.