Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, sáng 23/7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Cụ thể có tổng số 470/470 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 94,19% (tính trên tổng số đại biểu Quốc hội). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ, căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 1108-CV/VPTW ngày 23/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, đã chỉ đạo "trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV", Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khóa XIV có 22 cơ quan, gồm: 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
Cụ thể, 18 bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế.
4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc, trình bày Báo cáo về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.
Cuối phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Sau đó các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung này.
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án. Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Chương trình chú trọng hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ và người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm vùng nghèo, vùng khó khăn; các tổ chức, cá nhân liên quan.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đồng tình đánh giá việc thực hiện chương trình này cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới cũng như phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, một số đại biểu đề nghị phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh. Chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững.
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Chương trình phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã và ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cấp thôn phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định.
Chương trình có 11 nội dung thành phần. Để nâng cao hiệu quả thực hiện các nội dung này sẽ triển khai 6 đề án, chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới nổi lên sau 10 năm thực hiện. Dự kiến tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn khoảng 2,45 triệu tỷ đồng.
Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện chương trình này cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới cũng như phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Một số đại biểu đề nghị, quá trình lập quy hoạch cấp xã, huyện, tỉnh cần chú ý gắn thực hiện xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nhanh và bền vững; cần rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.