Quảng Trị sáp nhập 23 xã, thị trấn và hàng trăm thôn, khu phố

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành "Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, khu phố; cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập”. Theo lộ trình, đề án này được thực hiện từ tháng 6/2018 đến năm 2030.

Trụ sở làm việc của UBND các xã thuộc huyện Cam Lộ đã được xây dựng khang trang. Ảnh: ubmttqvn.quangtri.gov.vn

Quảng Trị hiện có 141 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 117 xã, 13 phường, 11 thị trấn; 858 thôn, 224 khu phố. Theo đề án của UBND tỉnh, Quảng Trị thực hiện sáp nhập 23 xã, thị trấn; trong đó 21 xã, thị trấn không đạt 50% về hai tiêu chí diện tích và dân số, 1 xã có dân số dưới 1.000 người, 1 xã có diện tích dưới 3 km2. Sau khi sáp nhập, sẽ giảm được 19 đơn vị cấp xã, số đơn vị hành chính cấp xã còn lại 122 đơn vị. Tỉnh cũng xem xét sáp nhập 730 thôn, khu phố có quy mô số hộ dưới 50% theo quy định. Như vậy, sau khi sáp nhập sẽ giảm từ 300 - 400 thôn, khu phố; số thôn, khu phố còn lại là 600 - 750. Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Theo đánh giá, đa số các đơn vị hành chính cấp xã có diện tích nhỏ, dân số thấp nhưng vẫn được bố trí đầy đủ các chức danh cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách nên làm tăng tỷ lệ người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp. Nhiều thôn, khu phố có quy mô quá nhỏ, số hộ quá ít. Việc tổ chức cấp xã, thôn, khu phố manh mún dẫn đến tăng ngân sách Nhà nước chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ xã, phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng, ở cấp xã, cấp thôn, giao cho Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tính toán lộ trình thực hiện sáp nhập các xã thiếu hai tiêu chí. Đối với các thôn tách ra từ làng trước đây và thôn tách ra từ thôn cũ tiến hành sáp nhập trước; tiếp đến sáp nhập các thôn không đủ về số hộ theo tiêu chuẩn quy định. Các thôn ở vùng miền núi thực hiện sáp nhập linh hoạt, không máy móc theo các tiêu chí; tính toán cân nhắc kỹ sáp nhập các thôn ở vùng biên giới, không gây xáo trộn làm ảnh hưởng đến an ninh biên giới. Đồng thời, thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh nhằm giảm ít nhất 10% những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn; thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố…

Nguyên Lý (TTXVN)
Kinh nghiệm hay từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố ở Yên Định, Thanh Hóa
Kinh nghiệm hay từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố ở Yên Định, Thanh Hóa

Huyện Yên Định, Thanh Hóa, đang tiến hành sáp nhập 139 thôn, tổ dân phố (giảm được 53,6% tổng số thôn, tổ dân phố của huyện), giảm trên 600 nhân sự ở cấp thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN