Thời hạn tạm ngừng bắt đầu từ 10 giờ ngày 2/7. Tuy nhiên, Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh có thể xem xét, cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và và kết thúc công việc này trước 17 giờ ngày 2/7.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh, trong những giờ tới, nhiều khả năng bão số 1 sẽ ảnh hưởng đến tỉnh, gây mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi là rất cao.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 1, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, khẩn trương triển khai các phương án, chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra… Hiện các địa phương, ngành đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án để ứng phó với cơn bão; trong đó ưu tiên bảo vệ vững chắc đê điều, hồ đập, đặc biệt là người dân và khách du lịch trên biển; phòng chống sạt lở, ngập úng…
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, trong 2 ngày 30/6 và 1/7 liên tục ra 2 công văn khẩn yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão, đặc biệt là kiểm tra, rà soát các vị trí, khu vực có nguy cơ sạt lở đất khi mưa lớn để có biện pháp xử lý kịp thời. Tập đoàn có địa bàn hoạt động trải dài tai 4 địa phương là Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều. Một số vị trí trọng yếu như bãi thải, khai trường gần khu dân cư, kho chứa than được Tập đoàn ưu tiên bảo vệ cấp bách theo phương châm “3 trước” “4 tại chỗ”. Các đơn vị sản xuất than đang tập trung phương tiện, máy móc khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước, phòng ngừa nguy cơ ngập lụt mỏ và các khu vực kho bãi chứa than; kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện đối với các mỏ hầm lò.
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 6.250 tàu cá các loại. Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã phối hợp với UBND các địa phương ven biển nắm tình hình tàu thuyền (đặc biệt là tàu ở xa bờ), thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp sản xuất an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm.
Một số địa phương ven biển như Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên, Cô Tô… cũng đang tập trung theo dõi các công trình giao thông ven biển, bảo vệ an toàn cho người dân cũng như lồng bè, chòi canh. Các đơn vị vận hành, quản lý các công trình hồ đập tăng cường lực lượng kiểm tra tình hình các hồ chứa; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.