Là đơn vị cấp xe phù hiệu cho xe hộ đê, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo quy định, có 2 cơ quan được cấp biển xe hộ đê là Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai và UBND các tỉnh ủy quyền cho một cơ quan trực thuộc, hầu hết là ủy quyền cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai của các tỉnh.
Đến ngày 2/10, đơn vị đã có đủ các số liệu báo cáo. Năm 2018, Trung ương cấp 568 phù hiệu xe hộ đê; trong khi đó, các địa phương cấp 1.867 biển. Sau khi Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực năm 2014, năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ban hành quy định mới về cấp phù hiệu xe hộ đê.
“Trước đây, biển xe hộ đê chỉ dùng cho việc hộ đê và khắc phục khẩn cấp trong phòng chống lụt bão, phạm vi sử dụng ở các địa phương có đê và mùa mưa bão. Sau khi Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực, loại hình thiên tai được luật hoá. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai là phải ứng phó đầy đủ tất cả các loại hình thiên tai, do đó phạm vi mở rộng hơn. Ví dụ như những năm gần đây, các tỉnh miền núi thiệt hại do lũ quét rất lớn, việc ứng phó thiên tai, lũ quét cần rất nhiều sự huy động tại địa phương”, ông Nguyễn Đức Quang thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Quang, chính vì mở rộng quy định như vậy nên lượng xe được cấp có tăng lên. Năm 2016 gần 1.000 xe. Năm 2017 trên 1.000 chiếc. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động điều chỉnh lại quy định theo hướng quản lý chặt chẽ hơn. Năm 2018, Cục đã nhận 858 đề nghị cấp biển, sau rà soát, đã cấp 568 xe đủ điều kiện.
Là đơn vị quản lý nhiều tuyến cao tốc nơi ghi nhận có nhiều xe miễn phí đi qua, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay, VEC đang quản lý 4 tuyến đường cao tốc với gần 500 km. Lưu lượng xe hộ đê đi qua trên địa bàn Lào Cai năm 2017 là 6.418 lượt, 9 tháng năm 2018 là 4.519 lượt; tương tự các con số này tại Nội Bài, Ninh Bình là 6.900 lượt và 3.600 lượt; Long Thành - Dầu Giây là 1.966 lượt và 1.113 lượt...
“Qua số liệu này cho thấy đến thời điểm hiện nay lượng xe hộ đê có dấu hiệu giảm. Nhưng các tỉnh phía Bắc sử dụng xe hộ đê nhiều hơn hẳn so với miền Trung, miền Nam. Điển hình như tỉnh Hải Dương, cấp phù hiệu hộ đê cho 250 xe. Trong khi có tỉnh lân cận chỉ một vài chục xe. Đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai, các địa phương chấn chỉnh tình hình cấp phù hiệu xe hộ đê. Nếu địa phương nào cũng được cấp số lượng lớn như vậy thì trên cả nước có tới hàng chục nghìn xe hộ đê, rõ ràng có sự bất hợp lý”, ông Nguyễn Văn Nhi kiến nghị.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Nhi, trong quá trình quản lý khai thác, VEC phát hiện các hiện tượng rất nhiều xe dùng phù hiệu hộ đê giả, hết hạn, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không đúng địa bàn; xe dùng phù hiệu hộ đê không đúng quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Ngoài ra, các xe này thường gây khó khăn cho đơn vị thu phí, đầu vào không trưng phù hiệu, vẫn lấy thẻ thu phí song chỉ tới đầu ra mới đẩy lên phù hiệu hộ đê, không trả thẻ cho đơn vị quản lý. Điều này gây thất thoát kép vừa tiền thu phí lẫn tiền thẻ (có giá hơn 200 nghìn đồng/chiếc).
Cùng với đó, không ít trường hợp lái xe có phù hiệu hộ đê lái rất ẩu, khi bị nhân viên thu phí phản ứng họ có hành vi thiếu văn hóa, chống đối với lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Còn theo ông Trần Anh Tú, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), kể từ khi khai thác trạm thu phí, Vidifi đã thực hiện rất nghiêm túc chế độ miễn phí đối với các xe có phù hiệu hộ đê đi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiều tài xế lợi dụng kẽ hở để sử dụng phù hiệu xe hộ đê giả qua trạm. Các tài xế này thường phản ứng khi bị yêu cầu kiểm tra giấy tờ.
Ông Phạm Huy Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, các dự án BOT trong quá trình khai thác thì vấn đề lưu lượng rất quan trọng, căn cứ vào lưu lượng sẽ tính được doanh thu trong quá trình khai thác và để đảm bảo yếu tố hoàn vốn. Rõ ràng nếu có một số đối tượng sử dụng thẻ và giấy hộ đê giả trốn phí đi qua dự án đó thì dự án bị hụt thu, phải kéo dài thời gian thu phí, tất cả người sử dụng dự án đó đều bị ảnh hưởng.
Dưới góc độ là đơn vị xử lý vi phạm giao thông trên các tuyến đường bộ, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) nhận định, xe phù hiệu hộ đê được quy định nhiều ưu tiên nên việc tham gia giao thông không chỉ dừng ở trốn phí mà còn được nhiều quyền ưu tiên khác như không hạn chế tốc độ, được đi ngược chiều, đi vào đường ưu tiên... Vì vậy việc này rất cần thiết phải ngăn chặn ngay.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, trong câu chuyện sử dụng phù hiệu cho xe hộ đê có những kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng. Việc sử dụng phù hiệu hộ đê trục lợi chính là ăn cắp tiền của người dân, của Nhà nước. Đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra trách nhiệm cơ quan buông lỏng quản lý cấp phù hiệu; hoặc đối tượng sử dụng phù hiệu giả để trục lợi.
Để ngăn chặn thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng cần thiết phải rà soát lại quy định pháp lý về cấp phù hiệu xe hộ đê để cấp đúng đối tượng, đúng thời hạn, phạm vi hoạt động. Đồng thời, cần thông tin công khai số liệu xe được cấp phù hiệu tới các cơ quan thu phí, cơ quan chức năng. Cơ quan thu phí tỏ thái độ cương quyết, phát hiện biển giả cần báo lại cho cơ quan chức năng ngay để xử lý giải quyết.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, trong Điều 22 của Luật Giao thông đường bộ đã quy định rất rõ các đối tượng ưu tiên khi tham gia giao thông. Khi thi hành công vụ thì xe ưu tiên phải có tín hiệu thể hiện ưu tiên sự ưu tiên của mình, các cơ quan chức năng cần nhận biết rõ chứ không chỉ căn cứ vào một tấm biển phù hiệu xe hộ đê.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, giải pháp để quản lý chặt chẽ các đối tượng được cấp phù hiệu xe hộ đê là cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xe ưu như việc thực hiện thu phí không dừng. Hiện nay, Tổng cục đang phối hợp với các đơn vị, tiến hành rà soát, cấp thẻ thu phí không dừng cho xe ưu tiên.
“Như vậy, công tác phối hợp giữa các cơ quan gồm cơ quan cấp phù hiệu ưu tiên, cơ quan quản lý đường bộ và thu phí, cơ quan tuần tra kiểm soát… đều được thực hiện trên hệ thống phần mềm. Việc này sẽ hiệu quả hơn trong cả thanh tra, kiểm tra và giám sát sau này”, bà Phan Thị Thu Hiền bày tỏ.
Một giải pháp khác theo bà Phan Thị Thu Hiền là đề nghị cơ quan chức năng, cụ thể là Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai sớm thống nhất với các địa phương gửi danh sách các xe được cấp phù hiệu hộ đê để Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát.