Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong các chương trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử từ ngày 5/5 đến nay, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đã trình bày chương trình hành động nếu trúng cử. Trong đó, nhiều chương trình hành động nhấn mạnh đến việc đảm bảo an sinh, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tăng cường đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng biên giới

Chú thích ảnh
Ứng cử viên Bế Minh Đức trình bày chương trình hành động tại Hội nghị tiếp xúc cử tri tại thành phố Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Tại tỉnh Cao bằng, trong chương trình hành động, ứng cử viên Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh việc kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ đầu tư vào xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); phát triển nông nghiệp thông minh.

Bên cạnh đó, ứng cử viên Bế Minh Đức cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng tiếp tục đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành đầu tư hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo của tỉnh, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung đầu tư trường lớp học, cơ sở bán trú tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số được học tập đầy đủ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Ông Bế Minh Đức thông tin, hiện nay ở một số huyện vùng cao của tỉnh Cao Bằng, tỉ lệ hộ chưa được dùng điện lưới quốc gia còn cao (huyện Bảo Lâm còn 48%, huyện Bảo Lạc còn 28%). Vì vậy, ông sẽ kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư điện lưới quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đồng thời, kiến nghị thực hiện tốt các chính sách liên quan đến đầu tư về cơ sở y tế, nước sinh hoạt đảm bảo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Được giới thiệu về Cao Bằng ứng cử, ông Đỗ Quang Thành, Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

Trong chương trình hành động, ông Đỗ Quang Thành nhấn mạnh, nếu được bầu, ông sẽ cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng có những kiến nghị, đề xuất với Trung ương quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc miền núi nói chung và với chính quyền, nhân dân tỉnh Cao Bằng nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân. Đồng thời là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Lần đầu tiên được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Đàm Minh Diện, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng dành nhiều quan tâm đến việc kiến nghị Quốc hội hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các tỉnh miền núi, biên giới, trong đó có Cao Bằng.

Ông Đàm Minh Diện cho biết, Cao Bằng là tỉnh có nhiều đồng đồng bào dân tộc sinh sống, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy cần tạo ra cơ chế chính sách phù hợp mới có thể giải được bài toán phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông sẽ kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng biên giới nhằm tạo nên thế trận lòng dân vững chắc. 

Lần đầu tiên ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Đình Việt, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ủy viên Ban Thư ký Quốc hội quan tâm đến các giải pháp nhằm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Cao Bằng. Bên cạnh việc cam kết sẽ nỗ lực góp sức cùng các cơ quan tỉnh Cao Bằng tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan Trung ương nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cao Bằng, ông Việt nhấn mạnh: “Tôi sẽ quan tâm đến vấn đề thiếu nhà ở, thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc”.

Cao Bằng có 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội, trong đó có hai ứng cử viên được Trung ương giới thiệu về 2 đơn vị bầu cử của địa phương. Những chương trình vận động tranh cử sẽ giúp cử tri sáng suốt lựa chọn ra 6 đại biểu đại diện cho tiếng nói của mình tại Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021- 2026.

Triển khai hiệu quả các chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số

Tỉnh Lạng Sơn  có 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc 2 đơn vị bầu cử và 93 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh thuộc 14 đơn vị bầu cử; toàn tỉnh có 1.562 tổ bầu cử. Theo kế hoạch, công tác tổ chức tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội được tổ chức tại 11 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn, thời gian tiến hành từ ngày 5 đến hết ngày 15/5. Đối với đại biểu HĐND tỉnh, thời gian vận động bầu cử sẽ kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22/5/2021).

Phát biểu trước cử tri thành phố Lạng Sơn, ứng cử viên Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, ông sẽ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có những kiến nghị với Trung ương để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố Lạng Sơn và tỉnh Lạng Sơn, trong đó tập trung phát triển du lịch thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó là kêu gọi thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bám sát các chủ trương, định hướng tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng để triển khai thực hiện… đáp ứng lòng mong đợi và sự tín nhiệm của cử tri thành phố Lạng Sơn nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Ứng cử viên Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn bày tỏ quan tâm đến việc phát triển các trụ cột kinh tế lớn của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, thương mại dịch vụ, du lịch; xây dựng hạ tầng cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội. Đặc biệt là triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số, nâng cao mức sống của người dân, thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu của nhân dân…

Nhìn chung, các chương trình hành động của các ứng cử viên đều khẳng định quyết tâm giữ mối liên hệ chặt chẽ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó chuyển tải, phản ánh đến diễn đàn của Quốc hội, của Trung ương xem xét, giải quyết, đóng góp vào những vấn đề quan trọng của đất nước và sự phát triển của tỉnh Lạng Sơn.

Chu Hiệu - Quang Duy (TTXVN)
 Bảo đảm an toàn cho các cuộc bầu cử trong dịch COVID-19
Bảo đảm an toàn cho các cuộc bầu cử trong dịch COVID-19

Nhằm ứng phó linh hoạt trước dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân phải thực hiện cách ly y tế, khó có thể thực hiện quyền vận động như các ứng cử viên khác trong đơn vị bầu cử, nhưng có thể vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã thông tin rõ hơn về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN