Nhiều ý kiến đại biểu cho biết, cử tri và nhân dân lo ngại về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt ở Tây Nam Bộ; động đất, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên; lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Tây Bắc; bão lũ ở các tỉnh ven biển và miền Trung…, từ đó mong muốn Đảng và Nhà nước có giải pháp căn cơ, lâu dài để đảm bảo đời sống của nhân dân. Trước thiệt hại, ảnh hưởng của thiên tai, nhiều ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước cần sớm dành nguồn lực từ ngân sách để kịp thời hỗ trợ lương thực, cây, con giống, vật tư thiết yếu để nhân dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) trong năm 2025, dự báo biến đổi khí hậu, thiên tai còn diễn biến phức tạp. Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt đối với công tác phòng, chống thiên tai nhằm bảo đảm tối đa về tài sản và tính mạng cho người dân. Chính phủ cũng đã đề ra các giải pháp chủ động ứng phó; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh; triển khai thực hiện đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du…
Đại biểu đề nghị trong năm 2025, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ hướng đến nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai theo phương châm "Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu". Về lâu dài, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ, tạo lá chắn tốt trong công tác phòng, chống thiên tai.
Mỗi khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, miền Bắc đều có những loại hình thiên tai đặc trưng, do đó Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản chủ động ứng phó từ trước, phù hợp với đặc điểm từng địa phương; cần chú trọng giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống thiên tai đảm bảo hoạt động hiệu lực, kịp thời.
Đại biểu cũng đề xuất cần quan tâm hơn nữa nguồn nhân lực cũng như công nghệ cho công tác dự báo thiên tai; kịp thời đưa ra dự báo, cảnh báo giúp chính quyền và người dân tiếp cận thông tin, chủ động ứng phó. Ngoài ra, cần có những chủ trương, giải pháp căn cơ hơn để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở những vùng dễ chịu tác động của thiên tai.
Về vấn đề mưa lũ, sạt lở tại các tỉnh miền núi, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết, cử tri rất quan tâm và quan ngại về diễn biến bất thường của thiên tai. Người dân các tỉnh miền núi thường trực nỗi lo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu mỗi khi mưa lớn kéo dài.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp toàn diện, quyết liệt hơn nữa để cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai; tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí xây dựng các bản đồ nguy cơ sạt lở chi tiết hơn nữa đến tận thôn, bản. Sau khi hoàn thành các bản đồ cảnh báo, cần lắp đặt hệ thống trạm quan trắc cố định tại những điểm có nguy cơ cao. Đồng thời, các trạm quan trắc di động cần được triển khai đến những khu vực có dự báo mưa bão lớn để thu thập dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và phương án ứng phó phù hợp. Ngoài ra, Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực, bố trí kinh phí cho các địa phương thuộc vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở, lũ quét để trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái, phòng, chống thiên tai.