Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát
Ngày 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 – 22/11/2024).
Thực hiện công tác an sinh xã hội năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ xây dựng nhà tình thương cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Qua vận động, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nhận được kinh phí tài trợ của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội để xây dựng 5 căn nhà tình thương (trị giá 80 triệu đồng/căn) cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện Lắk và huyện Cư Kuin. Đến nay, việc xây dựng các căn nhà tình thương đã hoàn thành, bàn giao cho 5 hộ gia đình, gồm: ông Y Nguyên Niê (buôn Jung B, xã Ea Ktur) và ông Nông Văn Chung (thôn 4, xã Cư Êwi) ở huyện Cư Kuin; ông Y Phong Liêng Hót (buôn Hang Ja, xã Bông Krang), ông Y Sỡn Sruk (buôn Biăp, xã Yang Tao), bà H’Sang Pang Ting (buôn Buốc, xã Nam Ka), đều ở huyện Lắk.
Bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, bên cạnh các hoạt động thường xuyên như tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tham gia xây dựng luật, thực hiện giám sát, tiếp xúc cử tri… theo các chương trình của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, vận động tổ chức, cá nhân đồng hành hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã vận động xây dựng được 22 căn nhà, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.
Là một trong 5 hộ được hỗ trợ xây nhà tình thương trong dịp này, ông Y Nguyên Niê, buôn Jung B, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin cho biết, gia đình ông là hộ nghèo. Vợ mất vì bệnh tật, ông đang sống cùng một người con và hai đứa cháu nhỏ, trong đó một đứa cháu cũng bị bệnh tật bẩm sinh. Những năm qua, 5 sào trồng cà phê và hồ tiêu của gia đình cùng tiền làm thuê “bữa được bữa mất” của ông chỉ đủ phần nào tiền thuốc men và trang trải cuộc sống. Nay được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ xây dựng căn nhà mới khang trang, ông Y Nguyên xúc động cho biết sẽ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực học hỏi cách làm hay, mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng vào vườn cây trong gia đình.
Tương tự gia đình ông Y Nguyên Niê, gia đình ông Y Phong Liêng Hót, buôn Hang Ja, xã Bông Krang, huyện Lắk cũng là hộ nghèo. Đất sản xuất ít, không có công ăn việc làm ổn định, vợ chồng ông Y Phong Liêng Hót chủ yếu làm thuê làm mướn. Căn nhà ván là nơi cả gia đình gồm 8 người sinh sống trong nhiều năm nay. Nay được hỗ trợ xây dựng nhà mới khang trang, ông Y Phong Liêng Hót cho biết, vợ chồng ông hứa cố gắng làm ăn, phấn đấu thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình và nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Cử tri quan tâm đến chế độ đối với sĩ quan và đội ngũ y bác sĩ
Ngày 30/9, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành và tiếp xúc chuyên đề với cử tri trường Quân sự Quân khu 3 tại phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh.
Tại trường Quân sự Quân khu 3, cử tri là cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường nhất trí cần thiết ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật phòng không nhân dân. Cử tri đề nghị quan tâm bảo đảm chế độ hưu trí với sĩ quan, xem xét tăng độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan.
Với Luật phòng không nhân dân, cử tri cho rằng việc kiểm soát quản lý, sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) là cần thiết. Luật nên quy định người sử dụng thiết bị phải đủ tuổi, không sử dụng chất cấm và phải được đơn vị có thẩm quyền cấp phép; phạm vi quản lý trên 5.000m để đảm bảo an ninh quốc phòng. Luật nên đưa vào quy định về sản xuất, kinh doanh các thiết bị UAV…
Tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, ý kiến cử tri mong muốn Luật Nhà giáo sớm được trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn huyện và ở nhiều nơi. Cử tri cũng kiến nghị tăng đãi ngộ để giữ chân đội ngũ y bác sĩ, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất trung tâm y tế huyện; chăm lo tốt hơn đối với người có công, rà soát lại những trường hợp đang hưởng chế độ đối với người nhiễm chất độc hóa học.
Cử tri cũng đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến để đẩy nhanh tiến độ làm đường gom Quốc lộ 5 và đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 17B; đền bù giải phóng mặt bằng đối với người dân bị thu hồi đất triển khai khu công nghiệp Lai Vu; ô nhiễm môi trường…
Chia sẻ, tiếp thu ý kiến cử tri, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ có báo cáo tổng hợp gửi Quốc hội và có ý kiến trong quá trình sửa đổi chính sách pháp luật có liên quan. Với những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, Đoàn sẽ có văn bản cụ thể yêu cầu các ngành, tỉnh, huyện trả lời chi tiết. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tỉnh Hải Dương và huyện Kim Thành rà soát các trường hợp hưởng chế độ chính sách người có công, không để có việc gian dối, giả mạo giấy tờ để trục lợi chính sách.
Đánh giá cao ý kiến góp ý tâm huyết của cử tri trường Quân sự Quân khu 3 về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật phòng không nhân dân, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu nhằm hoàn thiện hai dự thảo Luật.
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Với tinh thần đó, Quốc hội rất nỗ lực đổi mới tư duy và phương thức trong xây dựng các dự án luật.