Dưới đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn:
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và mục đích chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind?
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, trước hết là nhằm đáp lại lời mời của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi cố Chủ tịch nước thăm Ấn Độ hồi tháng 3/2018; thứ hai là để duy trì đà phát triển quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước đang diễn ra trong thời gian qua; thứ ba là để đánh giá những kết quả đã đạt được và những điều chưa làm được, nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển hiệu quả hơn; Và cuối cùng là để trao đổi những vấn đề cả hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là các vấn đề khu vực và quốc tế.
Đại sứ đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, những thành tựu nổi bật mà hai nước đạt được trong thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ từ Đối tác Chiến lược lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2016?
Về quan hệ chính trị, sự tin cậy giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao. Từ khi hai nước ký kết Đối tác Chiến lược Toàn diện, hằng năm đều có các chuyến thăm cấp cao như: Thủ tướng Narendra Modi thăm Việt Nam (9/2016); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Ấn Độ (tháng 12/2016); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Ấn Độ (tháng 7/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Ấn Độ (tháng 1 và tháng 3/2018). Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2017-2020 giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được ký vào tháng 7/2017. Trong các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai bên từ tháng 9/2006 đến tháng 3/2018, hai bên đã ký kết 17 thỏa thuận hợp tác bao trùm tất cả các lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng – an ninh, y tế, nông nghiệp, công nghệ thông tin…
Ngoài các chuyến thăm cấp cao, việc trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy quan hệ kênh Đảng, Quốc hội, quốc phòng, tòa án, lãnh đạo các địa phương… của hai bên được tăng cường. Hai bên phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại đã được thiết lập và thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết. Hằng năm, hai bên tiến hành đối thoại chiến lược và tham vấn chính trị cấp thứ trưởng ngoại giao, lần gần đây nhất diễn ra vào tháng 4 tại New Delhi. Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao đã diễn ra vào tháng 8 vừa qua để rà soát các lĩnh vực hợp tác và đề ra những biện pháp cụ thể triển khai Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020.
Hợp tác quốc phòng - an ninh được đánh giá là trụ cột quan trọng, hiệu quả của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Các chuyến thăm lẫn nhau của Bộ trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Lục quân, Hải quân… diễn ra với mức độ thường xuyên. Đối thoại cấp Thứ trưởng Quốc phòng diễn ra thường niên.
Ngoài ra, lực lượng quốc phòng hai bên đang hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực chia sẻ thông tin, đào tạo huấn luyện, cung cấp trang thiết bị; duy trì các cơ chế đối thoại; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực an ninh mạng, chống khủng bố, các dự án nâng cao năng lực, mua sắm trang thiết bị, chuyển giao công nghệ và hợp tác trên các diễn đàn khu vực như ADMM+. Hai bên đang thúc đẩy thực hiện các gói tín dụng của Ấn Độ, bao gồm gói 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam và sớm ký Hiệp định khung về sử dụng gói tín dụng 500 triệu USD cho công nghiệp quốc phòng. Hai bên lần đầu tiên tiến hành tập trận hải quân chung. Có thể nói, hợp tác quốc phòng đã được nâng lên tầm cao nhất và Ấn Độ trở thành một đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Việt Nam.
Bên cạnh quan hệ tốt đẹp về chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm gần đây có những bước phát triển vượt bậc. Trong hai năm qua, sự tăng trưởng về kinh tế thương mại đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện song phương. Ấn Độ đã trở thành một trong 12 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 41%, từ 5,6 tỷ USD năm 2016 lên 7,6 tỷ USD năm 2017. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2018, trao đổi thương mại giữa hai nước đã đạt 9,2 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về đầu tư, tính đến tháng 10/2018, tổng mức đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 876,73 triệu USD, xếp thứ 26/127 quốc gia và lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn vào Việt Nam tính theo vốn đăng ký. Về lĩnh vực du lịch, năm 2017, có gần 120.000 khách Ấn Độ đến Việt Nam, tăng khoảng 30% trong những năm gần đây.
Ngoài ra, các hoạt động ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân, học giả… diễn ra sôi động, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Hàng loạt sự kiện văn hóa đã được tổ chức trong hai năm qua như triển lãm tranh, ảnh, liên hoan phim, tổ chức Những ngày Văn hóa Việt Nam, thiết lập phòng sách Việt Nam ở các thư viện, thành lập Trng tâm nghiên cứu Việt Nam…
Đại sứ có kỳ vọng gì về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới, và những lĩnh vực mà Việt Nam có thể xúc tiến - tăng cường hợp tác với Ấn Độ, để góp phần đưa mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Mối quan hệ giữa hai nước đã đạt được những bước tiến lớn trong những năm qua và có triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian gian tới. Quan hệ Việt-Ấn có một nền tảng vững chắc từ những mối liên hệ lịch sử văn hóa, được lãnh đạo hai bên vun đắp và củng cố qua các thời kỳ. Hai bên có sự tin cậy chính trị, là đối tác quan trọng của nhau trong khu vực và trên thế giới. Tiềm năng hợp tác giữa hai bên rất lớn trong bối cảnh cả hai đang là hai nền kinh tế phát triển năng động, thuộc hàng nhanh nhất thế giới và đều đang tích cực cải cách mở cửa, tận dụng các cơ hội trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hợp tác khoa học và công nghệ là lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng và được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy phát triển. Ấn Độ đã và đang nổi lên là một quốc gia có tiềm năng lớn về khoa học và công nghệ ở châu Á với nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Nhiều công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ đã thành lập chi nhánh ở Việt Nam. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được đào tạo ở Ấn Độ trong những năm qua. Chính phủ Việt Nam đang tập trung thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt như công nghệ thông tin ứng dụng trong các dây chuyền sản xuất, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp và bào chế dược phẩm, công nghệ vật liệu trong đó có vật liệu nano, công nghệ môi trường và các quy trình công nghệ xử lý khác trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai các hiệp định, bản ghi nhớ còn chậm trễ. So với nền tảng phát triển khoa học công nghệ tương đối cao của Ấn Độ thì phía Việt Nam chưa tận dụng được thế mạnh của Ấn Độ, mức độ hợp tác hai bên chưa cao.
Ngoài ra, tiềm năng phát triển du lịch giữa hai nước là rất lớn. Khoảng 110.000-120.000 khách Ấn Độ đến Việt Nam trong năm 2017, với tốc độ tăng khoảng 30% trong những năm gần đây. Dự kiến sẽ có 150.000-170.000 du khách Ấn Độ đến Việt Nam trong năm nay. Trong khi đó, khách Việt Nam đến Ấn Độ vào khoảng 20.000, phần lớn là hành hương đất Phật, tham quan các di tích văn hoá Ấn Độ, di sản UNESCO và di tích cổ.
Đại sứ có thể cho biết hiện nay hai nước đang có những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể gì, nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương, nhất là về thương mại, trong bối cảnh lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đến năm 2020 đạt 15 tỷ USD cũng như những mục tiêu xa hơn nữa?
Hai nước đã có Chương trình Hành động để triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2017-2020 giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký vào tháng 7/2017, trong đó đề ra nhiều biện pháp cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh quan hệ song phương, nhất là các chương trình xúc tiến thương mại và hoạt động giao thương. Hằng năm, Ấn Độ đều tổ chức rất nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế quy mô lớn, theo các lĩnh vực ngành nghề, ở các thành phố khác nhau. Việt Nam đang làm việc với phía Ấn Độ để nước chủ nhà tăng cường mời gọi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sự kiện này.
Bên cạnh đó, hai nước cũng chú trọng tăng cường hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đầu tư song phương; hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí và dịch vụ dầu khí; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hai nước thâm nhập thị trường của nhau, từng bước dỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan, không áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại mới, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản; thúc đẩy hợp tác trong việc xây dựng cơ chế tham vấn trước đối với các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ trước khi khởi xướng điều tra; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch, nhanh chóng tạo thuận lợi để mở đường bay thẳng giữa hai nước.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn TTXVN!