Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Rome về ý nghĩa sự kiện, cũng như những thành tựu hai bên đã đạt được và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.
Thưa Đại sứ, quan hệ Việt Nam - Italy tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và thực chất trên mọi lĩnh vực. Đại sứ có thể điểm lại một số thành tựu nổi bật của mối quan hệ hợp tác trong 50 năm qua và những thế mạnh cần phát huy?
Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngay sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết. Trong 50 năm qua, thế giới trải qua nhiều biến động to lớn, song quan hệ hai nước đã phát triển tích cực, toàn diện và đi vào chiều sâu trên tất cả lĩnh vực, cả về hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt kể từ khi hai bên ký “Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược” vào tháng 1/2013, nhân dịp chuyến thăm cấp nhà nước tới Italy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Italy là một đối tác quan trọng, một người bạn tình nghĩa, thủy chung của nhân dân Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo Italy đều khẳng định sự coi trọng quan hệ và quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á. Tổng thống Italy Sergio Mattarella cho biết rất ấn tượng về vẻ đẹp, tình cảm nồng ấm và sự phát triển năng động của Việt Nam trong chuyến thăm của ông vào tháng 11/2016 và trong thư chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gần đây, ông đã bày tỏ Italy mong muốn tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN và Italy là đối tác Liên minh châu Âu (EU) lớn thứ 4 của Việt Nam. Năm 2022, dù có nhiều biến động và khó khăn, song kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 6,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Chính phủ Italy đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia tiếp tục ưu tiên thúc đẩy thương mại, đầu tư đến năm 2030. Nhiều nhà đầu tư của Italy trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo đều hoạt động hiệu quả, thành công tại Việt Nam, trong đó có Bonfiglioli, Piaggio, Danieli, Datalogic, Ariston.
Hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, du lịch, giao lưu nhân dân cùng nhiều lĩnh vực khác tiếp tục phát triển tích cực. Hai nước thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tại Italy và Việt Nam. Từ năm 2002 đến nay, Chính phủ Italy đã giúp đỡ Việt Nam trong việc trùng tu, bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Về giáo dục - đào tạo, hai bên ký kết và triển khai nhiều dự án hợp tác. Chính phủ Italy hằng năm đều cung cấp các suất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Cùng với số lượng khách du lịch giữa hai nước tăng mạnh trong những năm gần đây, giao lưu nhân dân là cầu nối, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.
Hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Italy cũng đang phát triển tích cực. Nhiều địa phương hai nước trao đổi, kết nối đối tác, hợp tác như Bình Dương, Bình Phước với vùng Emilia Romagna, Bà Rịa-Vũng Tàu với vùng Veneto, Hà Nội với vùng Lazio và Roma, Lâm Đồng với Como...
Về những thế mạnh cần phát huy, tôi cho rằng giữa hai nước có rất nhiều thế mạnh và tiềm năng hợp tác cần được khai thác tích cực hơn trong thời gian tới. Italy và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng, không chỉ về địa lý, về tình cảm và các giá trị gia đình, cộng đồng, ẩm thực, văn hóa mà còn về cơ cấu kinh tế với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nền kinh tế hai nước vừa có tính tương đồng, vừa có tính bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng và sản phẩm, sẽ mang lại các giá trị gia tăng to lớn khi hợp tác với nhau. Đây là những lợi thế lớn trong hợp tác giữa hai nước cần tiếp tục được phát huy và đẩy mạnh trong thời gian tới.
Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Italy trong thời gian tới cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế, tại các diễn đàn đa phương?
Tôi cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, cần tiếp tục làm sâu sắc và thúc đẩy phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược.
Thứ nhất, về chính trị, hai nước cần tiếp tục tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, các kênh, qua các chuyến thăm song phương và tại các diễn đàn đa phương; tiếp tục tăng cường sự gần gũi và mức độ tin cậy chính trị trên cơ sở tình cảm quan hệ hữu nghị rất tốt đẹp sẵn có; phát triển toàn diện hợp tác sâu rộng, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương hai bên; chú trọng triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có; thúc đẩy trao đổi, hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, tư pháp, nội chính, tuyên giáo...
Thứ hai, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế mà Italy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghiệp cơ bản, công nghiệp nền tảng, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, cơ khí chế tạo, kết cấu hạ tầng, vật liệu xây dựng, dầu khí, năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm.... Các doanh nghiệp Italy đã lựa chọn Việt Nam là một trong những thị trường nằm trong danh sách chiến lược, mục tiêu trọng điểm. Trong khi đó, Italy, với quy mô dân số gần 60 triệu người, là thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), có nhiều thế mạnh về công nghệ, máy móc, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, phù hợp với nhu cầu đang gia tăng của Việt Nam, vừa là thị trường, vừa là cửa ngõ đường biển quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam vào Italy và EU.
Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đang tích cực phối hợp cùng các đối tác triển khai nhiều hoạt động để quảng bá môi trường đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp Italy, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam và đã có một số dấu hiệu khích lệ. Ngoài ra, hai bên còn có tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, đặc biệt là triển khai thực hiện cam kết trong khuôn khổ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng mà Italy đã cam kết 250 triệu USD. Việc thúc đẩy thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước cũng cần sớm được triển khai do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, giao lưu nhân dân ở cả hai chiều đang tăng nhanh.
Về hợp tác tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Italy cần tăng cường hợp tác trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU cũng như Việt Nam có thể đóng vai trò chủ động, tích cực tăng cường sự hiện diện của ASEAN tại Italy, cũng như thúc đẩy quan hệ Italy-ASEAN. Trong thời gian qua, có thể thấy rõ Italy ngày càng quan tâm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. Cộng đồng doanh nghiệp Italy hiểu rõ lợi ích hợp tác đầu tư và thương mại với các nước ASEAN, với lực lượng lao động trẻ, chi phí cạnh tranh, thị trường tiêu thụ lớn, môi trường kinh doanh năng động, hạ tầng ngày càng cải thiện.
Xin Đại sứ chia sẻ về kế hoạch của Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan hữu quan của Italy để tổ chức những hoạt động kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao?
Các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy là dịp nhìn lại chặng đường phát triển trong quan hệ hai nước; quảng bá, tăng cường hình ảnh Việt Nam tại Italy cũng như Italy tại Việt Nam, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác tốt đẹp cùng có lợi giữa hai bên.
Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã xây dựng kế hoạch kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với chủ đề Năm "Việt Nam - Italy 2023: Trân trọng - Hiểu biết - Hợp tác". Chủ đề này bao hàm nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, thể hiện sự trân trọng nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, nhắc lại những tình cảm tốt đẹp của nhân dân hai nước trong những năm tháng chiến tranh giành độc lập tại Việt Nam (người dân Italy xuống đường phản đối chiến tranh, gửi nhu yếu phẩm hỗ trợ nhân dân Việt Nam...) và ngày nay (viện trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19...), cùng các chuyến thăm cấp cao và các mốc phát triển lớn trong quan hệ hai nước.
Thứ hai, tăng cường hiểu biết về Việt Nam ngày nay, giới thiệu hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển năng động, giàu bản sắc văn hóa và nhiều tiềm năng, là điểm đến hấp dẫn về thương mại và đầu tư, có nhiều điểm tương đồng với Italy.
Thứ ba, mở ra các cơ hội hợp tác mới và thúc đẩy phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, đầu tư, văn hóa-giáo dục, khoa học-công nghệ, du lịch, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương và các lĩnh vực hợp tác mới; với ưu tiên và trọng tâm hàng đầu là ngoại giao kinh tế.
Các hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra trên diện rộng, tại nhiều thành phố lớn, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, đông khách du lịch quốc tế như Rome, Milan, Florence, Venice, Napoli... và tại nhiều địa phương, thành phố khác của Italy trong suốt năm 2023; được tổ chức theo tiêu chí đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, trang trọng, huy động sự ủng hộ, hỗ trợ và cùng tham gia tích cực của các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, bạn bè Italy và các nguồn lực xã hội hóa ở Italy và Việt Nam.
Các hoạt động kỷ niệm được đưa vào chương trình nghị sự hợp tác hai bên để phối hợp. Mỗi bên sẽ tổ chức các hoạt động phù hợp với kế hoạch công tác và đặc thù của từng nơi và sẽ sử dụng chung logo 50 năm quan hệ đã được Bộ Ngoại giao hai nước thông qua. Về kế hoạch của Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, chúng tôi dự kiến 3 đợt hoạt động chính là Lễ khai mạc Năm Việt Nam - Italy cùng tổ hợp các hoạt động kỷ niệm (tháng 3/2023); Lễ kỷ niệm và Tiệc Chiêu đãi 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italy cùng tổ hợp các hoạt động kỷ niệm (quý III/2023); Lễ bế mạc Năm Việt Nam - Italy cùng tổ hợp các hoạt động kỷ niệm (tháng 12/2023).
Các hoạt động kỷ niệm gắn liền các buổi lễ nêu trên cũng như các hoạt động khác trong khuôn khổ Năm Việt Nam - Italy 2023 sẽ được sắp xếp và tổ chức linh hoạt, bao gồm các sự kiện như các triển lãm, hội thảo, phim tư liệu về tình đoàn kết, lịch sử quan hệ hai nước; hội thảo về quãng đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italy; các sự kiện trình diễn thời trang, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam, triển lãm ảnh về đất nước, con người Việt Nam, tuần phim Việt Nam, các sự kiện giới thiệu ẩm thực, du lịch, văn hóa Việt Nam... Và rất nhiều hoạt động về hợp tác kinh tế như diễn đàn, hội thảo, tham gia các hội chợ lớn và các hội thảo chuyên đề giữa các nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia hai nước....
Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
Để quan hệ hai nước phát triển tích cực, cả về chiều rộng và chiều sâu, hai bên cần tiếp tục coi trọng nuôi dưỡng nền tảng của quan hệ hợp tác, đó là mối quan hệ hữu nghị truyền thống rất tốt đẹp, sâu sắc, bền chặt và vô cùng quý giá mà nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp. Trên nền tảng đó, tạo các động lực mới thúc đẩy quan hệ song phương phát triển toàn diện, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Hai nước cần tích cực tăng cường trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; triển khai hiệu quả Chương trình Hành động thực thi đối tác chiến lược theo từng giai đoạn; tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp hai nước kết nối hợp tác với nhau; tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với Italy, cũng như quảng bá hình ảnh Italy tại Việt Nam; tiếp tục phối hợp chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm lập trường, tham vấn về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; thúc đẩy hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế; tiếp tục củng cố và ngày càng nâng cao hơn nữa mức độ tin cậy chính trị... Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực thông thạo ngôn ngữ và hiểu biết văn hóa giữa hai nước, để họ trở thành các sứ giả, cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước nói chung và quan hệ hợp tác kinh tế nói riêng. Hợp tác địa phương giữa hai nước cũng cần tiếp tục được quan tâm thúc đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Xin Đại sứ cho biết trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam với Italy trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo?
Đại sứ quán sẽ tiếp tục thúc đẩy, tổ chức trao đổi đoàn cấp cao và tăng cường tiếp xúc các cấp, các kênh; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, đóng góp xây dựng Chương trình Hành động triển khai đối tác chiến lược giai đoạn 2024-2026...
Về hợp tác với Italy trong khuôn khổ đa phương, trong vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Roma (ACR) nhiệm kỳ 6 tháng đầu năm 2023, Đại sứ quán sẽ nỗ lực thúc đẩy các hoạt động của ASEAN tại Italy, tập trung vào 3 mục tiêu: khôi phục và mở rộng các hoạt động tăng cường đoàn kết ASEAN (Solidarity); quảng bá hình ảnh của ASEAN tại Italy (Visibility); tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các sáng kiến và hoạt động đối ngoại (Centrality).
Tăng cường thắt chặt quan hệ với chính quyền trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác sở tại, thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các cơ quan, địa phương hai nước. Thông qua các cuộc tiếp xúc tích cực vận động triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA), gỡ bỏ thẻ vàng Các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) đối với xuất khẩu thủy sản, ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
Trọng tâm thứ hai là công tác ngoại giao kinh tế. Đại sứ quán sẽ tiếp tục tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế, trong đó có việc làm tốt công tác thông tin thị trường hai nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, quảng bá tiềm năng hợp tác với Việt Nam tại nhiều vùng, địa phương của Italy thông qua các hoạt động như diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các gian hàng Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm; kết nối hợp tác giữa địa phương hai nước.
Trọng tâm thứ ba là công tác ngoại giao văn hóa. Đại sứ quán đã có kế hoạch triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa, củng cố ngày càng vững chắc cầu nối văn hóa giữa nhân dân hai nước, đẩy mạnh quảng bá Việt Nam tại Italy; khuyến khích thúc đẩy việc dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa Việt Nam tại Italy.
Với cộng đồng người Việt Nam tại Italy, chúng tôi tiếp tục quan tâm đến công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, sao cho việc hỗ trợ cho công dân Việt Nam, cộng đồng người Việt tại sở tại được thực hiện một cách tốt nhất, vận động bà con hướng về quê hương đất nước, thúc đẩy việc thành lập các hội người Việt và hỗ trợ các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam của các hội, đoàn; duy trì thường xuyên các kênh liên lạc với đại diện cộng đồng, các cơ quan chức năng sở tại và Lãnh sự danh dự để kịp thời tiếp nhận, nắm bắt thông tin và phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Trên cơ sở nhiều hoạt động triển khai trong năm 2023 và các năm tới, Đại sứ quán sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trú TTXVN tại địa bàn và các cơ quan truyền thông trong nước, sở tại để đưa tin về các hoạt động đối ngoại trong nước và của Đại sứ quán, thường xuyên cập nhật và đa dạng hóa nội dung, hình thức trang website, facebook của Đại sứ quán để truyền tải kịp thời tin tức về quan hệ hai nước, các hoạt động của Đại sứ quán và các sự kiện lớn của đất nước.
Tôi tin rằng trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống rất tốt đẹp giữa hai nước, sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, sự năng động và tích cực hợp tác của các địa phương, doanh nghiệp và người dân hai nước cùng nhiều kế hoạch, hoạt động Đại sứ quán Việt Nam tại Italy triển khai trong thời gian tới, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh và toàn diện, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!