Theo Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, năm 2020 là năm vô cùng đặc biệt với sự xuất hiện của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, làm đảo lộn nhiều khía cạnh trong đời sống chính trị-kinh tế-xã hội của mỗi nước, kể cả quan hệ đối ngoại. Trong bối cảnh đó, quan hệ Việt Nam – Lào tiếp tục là một ví dụ độc đáo trong quan hệ quốc tế, không chỉ tiếp tục trong sáng, thủy chung mà còn trở nên đặc biệt hơn rất nhiều.
Đại sứ nêu rõ Việt Nam và Lào là hai nước hiếm hoi vẫn có thể duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc trực tiếp ở cấp cao nhất ngay cả khi đại dịch bùng phát. Chỉ tính riêng từ khi hai nước công bố có dịch, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã 3 lần thăm Việt Nam vào các tháng 7, 8 và 12/2020; Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng thăm Lào tháng 5/2020. Đây là những chuyến thăm đặc biệt khi hai bên phải xử lý các yêu cầu hết sức khác biệt so với thông thường về an ninh, an toàn, lễ tân – hậu cần, bên cạnh việc bảo đảm các yêu cầu cao về nội dung như thông lệ.
Năm 2020, lần đầu tiên 2 kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (Kỳ họp 42 và 43) diễn ra trong cùng một năm vào tháng 1 và tháng 12, cho thấy sự khẩn trương của hai chính phủ trong việc rà soát, thúc đẩy quan hệ song phương trước 2 sự kiện chính trị quan trọng tại mỗi nước là Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI và Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII. Đặc biệt, Kỳ họp 43 mới đây với gần 20 thỏa thuận được ký kết, bao trùm hầu hết các lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, được hai Thủ tướng đánh giá là thành công chưa từng có. Nhiều vấn đề kéo dài đã có đột phá, tạo hành lang thuận lợi cho hợp tác hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững trong thời gian tới.
Hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau một cách tận tình và hiệu quả trong các vấn đề liên quan đại dịch. Chỉ 2 ngày sau khi Lào phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Thongloun Sisoulith và công bố hỗ trợ Lào trang thiết bị, vật tư y tế. Chỉ 2 tuần sau đó, Việt Nam đã cử đoàn chuyên gia sang chia sẻ kinh nghiệm chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương Việt Nam cũng đã tích cực hỗ trợ các đối tác Lào. Điểm sáng là với lợi thế của 2 nước có chung đường biên giới hòa bình, hữu nghị, công dân hai nước vẫn được tạo điều kiện xuất nhập cảnh thuận lợi trong khi vẫn bảo đảm tuyệt đối các biện pháp phòng chống dịch; hàng hóa vẫn được lưu thông, bảo đảm duy trì kim ngạch thương mại tăng trưởng ở mức khả quan, dự kiến đạt gần 1 tỷ USD trong năm 2020.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhận định năm 2021 sẽ là năm bản lề quan trọng đối với Việt Nam, Lào và quan hệ hai nước. Đây là năm đầu tiên hai bên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc của mình cũng như các chiến lược, hiệp định hợp tác song phương Việt Nam – Lào giai đoạn 2021-2025 với nhiều điểm mới về nội dung và biện pháp triển khai. Trên đà của năm 2021, hai nước sẽ tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu; tăng cường trụ cột hợp tác về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, mở rộng giao lưu nhân dân và các địa phương hai nước. Đặc biệt, hai nước cần phối hợp, hỗ trợ nhau khắc phục các hậu quả do địa dịch gây ra, sớm đưa hai nước trở lại nhịp độ tăng trưởng kinh tế tốt như trước dịch.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết trong bối cảnh dịch bệnh, ưu tiên hàng đầu của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào là bảo đảm an toàn và quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam tại Lào theo đúng tinh thần chỉ đạo của chính phủ, đặc biệt trong thời gian đầu khi người Việt Nam khắp nơi trên thế giới tìm cách về nước tránh dịch. Cộng đồng người Việt Nam tại Lào khá lớn, khoảng trên 100.000 người, trong đó hơn một nửa là lao động tự do, thời vụ, trình độ dân trí rất khác nhau.
Đại sứ quán đã khẩn trương triển khai các biện pháp mới để bảo hộ công dân tốt nhất có thể, như tăng thêm 3 số điện thoại trực 24/7 để bảo đảm tiếp nhận thông tin, yêu cầu của bà con và cung cấp hướng dẫn một cách nhanh chóng, kịp thời; giữ liên hệ chặt chẽ, liên tục với các cơ quan chức năng của Lào và các cơ quan đại diện thông tấn, báo chí của Việt Nam tại địa bàn để kịp thời cập nhật chủ trương, quy định của Lào về công tác phòng chống dịch liên quan đến cộng đồng người Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, động viên bà con thông qua Tổng hội người Việt Nam tại Lào và Hội người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn; phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước hỗ trợ bà con vật tư y tế thiết yếu để phòng dịch; phối hợp với các cơ quan chức năng hai nước tổ chức đưa bà con về nước một cách trật tự, hợp pháp, thuận lợi, có địa điểm cách ly theo đúng quy định. Tính đến nay, có khoảng 63.000 lượt công dân Việt Nam đã về nước.
Ngoài ra, điểm sáng rất đáng chú ý là trong bối cảnh cả Lào và Việt Nam siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, công tác bảo hộ công dân thông thường vẫn được thực hiện hiệu quả như đưa thi hài/di hài của công dân tử vong tại Lào về nước, đưa công dân bị bệnh về nước điều trị bệnh... Đặc biệt, Đại sứ quán không chỉ hết lòng phục vụ công dân Việt Nam, mà còn nhiệt tình hỗ trợ cả công dân Lào sang Việt Nam chữa bệnh, lưu học sinh Lào sang Việt Nam kịp cho năm học mới…
Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, năm 2020, quan hệ giữa hai nước đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay Lào là địa bàn có số lượng doanh nghiệp và giá trị đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Tính lũy kế, Việt Nam có 414 dự án với tổng giá trị vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD, xếp thứ 3 tại Lào, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam cơ bản đã tận dụng và kết hợp được tiềm năng, thế mạnh của Lào và lợi thế, kinh nghiệm của doanh nghiệp. Do vậy, nhiều dự án đã thành công, tạo hàng vạn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước Lào.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam tại Lào do nhiều nguyên nhân, trong đó có các hậu quả tiêu cực do đại dịch gây ra đối với toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội của Lào. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của đầu tư của Việt Nam tại Lào là động lực chính thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ đặc biệt Việt – Lào, Đại sứ quán không ngừng chú trọng công tác tạo thuận lợi cho đầu tư Việt Nam tại Lào, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đặc biệt trong năm 2020.
Đại sứ quán thường xuyên cập nhật thông tin, nhất là kinh tế vĩ mô, pháp lý, chủ trương, chính sách mới của Lào và cả Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp qua nhiều kênh, như website của Đại sứ quán, bản tin kinh tế, hoặc trực tiếp tại các hội nghị doanh nghiệp, đặc biệt các vấn đề liên quan đến biện pháp phòng chống dịch của cả hai nước.
Đại sứ quán cũng chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng Lào để xác định cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp sạch, quy mô, công nghệ hiện đại. Đại sứ quán định kỳ tổ chức các chuyến công tác thực địa, hội nghị doanh nghiệp, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn ra, để nắm bắt tình hình, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và kiến nghị các cơ quan chức năng hai nước tìm giải pháp.
Đại sứ quán cũng làm cầu nối cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan chủ quản của Lào như Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Năng lượng – Mỏ, Bộ Tài chính, các sở, ban ngành của thủ đô Viêng Chăn và địa phương. Các doanh nghiệp có nhu cầu đều được hỗ trợ trong việc xin cấp phép mới, gia hạn cấp phép, tìm kiếm đối tác, đàm phán ký kết thỏa thuận kinh doanh… Đại sứ quán theo dõi, thúc đẩy hoạt động của Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư tại Lào (BACI) để Hội làm tốt hơn vai trò kết nối các doanh nghiệp thành viên hiện tại và tương lai.
Hiện nay, Đại sứ quán đang làm việc chặt chẽ với Ban chấp hành BACI để củng cố Hội theo hướng thành lập các chi nhánh BACI tại Bắc, Trung và Nam Lào và Trung ương Hội tại Thủ đô Viêng Chăn, đưa hoạt động của BACI đi vào chính quy, hiệu quả.