Quan chức OECD: Hợp tác là chìa khóa đẩy lùi tình trạng trốn thuế

Hợp tác quốc tế trong vấn đề thuế, với trọng tâm là chống Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), là một trong bốn ưu tiên của chương trình nghị sự tài chính APEC nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nền kinh tế thành viên cũng như các định chế tài chính quốc tế.

Ông Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Quản lý Thuế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Ảnh:AFP

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Quản lý Thuế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Ông có nhận định gì một số diễn biến gần đây trong lĩnh vực hợp tác thuế của khu vực?

Việt Nam đã đưa các vấn đề về thuế trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của APEC. Điều này là tốt bởi vì đây chính xác là những gì mà các nước trên thế giới đang thực hiện, đặc biệt là các quốc gia G20. Điều này sẽ đưa APEC vào một sân chơi bình đẳng so với các nước khác.

Trong lĩnh vực hợp tác thuế, thành tựu đạt được là hầu hết các nền kinh tế APEC đều là thành viên của các tổ chức thuế quốc tế. Chúng tôi (OECD) có một diễn đàn toàn cầu về tăng cường tính minh bạch và trao đổi thông tin thuế nhằm kiềm chế các bí mật ngân hàng. Hầu như tất cả các nước đều được tiếp cận với diễn đàn đó, song Việt Nam thì chưa. Tuy nhiên, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam đã nhắc lại rằng Việt Nam sẽ cởi mở trong vấn đề này.

Chúng tôi có một khuôn khổ chung về chống lại BEPS, mà Việt Nam là nước thành viên. Đến tháng 6 năm ngoái, chương trình này đã có hơn 100 thành viên.

Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng khuyến khích tất cả các nước vận hành theo cùng một nguyên tắc. Điều tối quan trọng là các quốc gia cần phải tuân theo các nguyên tắc thuế đồng nhất để huy động nguồn lực trong nước; trong đó có việc loại bỏ tranh chấp giữa các quốc gia khi xảy ra trường hợp đánh thuế hai lần. Điều này (có một nguyên tắc thống nhất) cũng là tốt cho kinh doanh.

Ông có bình luận nào về đóng góp của Việt Nam trong việc thực hiện sáng kiến này?


Điều này liên quan đến việc bảo vệ nền tảng thuế của Việt Nam thông qua việc ngăn chặn hành động “mua bán hiệp ước”. (“Mua bán hiệp ước” là trường hợp một người hoặc công ty cư trú ở một quốc gia nhưng lại có nguồn thu ở một quốc gia khác - còn gọi là “source country” - và có thể được hưởng lợi từ một hiệp định thuế giữa “source country” đó với một quốc gia thứ ba khác).

Để làm được điều này, cần phải có báo cáo đơn lẻ theo từng quốc gia. Những báo cáo này sẽ cung cấp thông tin về phương pháp mà các công ty đang hoạt động tại Việt Nam thiết lập những kế hoạch về thuế cũng như cách thức mà họ điều chỉnh những kế hoạch này.

Việc thúc đẩy sáng kiến này (BEPS) trong APEC là rất tích cực cho việc hợp tác. Trong các cuộc họp của APEC, OECD và Ngân hàng Thế giới (WB) đã làm việc với tất cả các nền kinh tế APEC để giúp cơ quan quản lý thuế xây dựng luật; hỗ trợ các quốc hội về vấn đề này, và cũng để giúp các nước bảo vệ nền tảng thuế của mình khi hòa cùng một nhịp vào với phần còn lại của thế giới.

Các công ty muốn vận hành tốt cần sự chắc chắn và phải hoạt động trên cùng một bộ quy tắc. Điều bạn cần là bảo vệ nền tảng thuế, thực hiện tăng thuế đúng cách và tránh trường hợp đánh thuế hai lần.

Chương trình hành động BEPS khuyến khích các nước thành viên tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý thuế. Làm sao để thực hiện điều này?

Điều này không dễ dàng nhưng chúng tôi (OECD) đang cố gắng thực hiện nó. Việc trao đổi thông tin một cách tự động đang diễn ra và chúng tôi đã cung cấp cho tất cả các quốc gia trên thế giới (ở đây là 146 thành viên của diễn đàn toàn cầu về tính minh bạch này) các công cụ trao đổi thông tin để hợp tác. Đây là lý do tại sao việc trở thành một phần của chương trình hành động BEPS là rất quan trọng.

Để có thể hợp tác, các cơ quan quản lý thuế cần phải hiểu biết lẫn nhau và cần có những công cụ tương đồng. OECD đang cung cấp những công cụ đó, đi kèm với những tiêu chuẩn đối ứng dành cho các cơ quan quản lý thuế, cũng như những nền tảng công nghệ nhằm giúp họ trao đổi thông tin.

Tin tốt lành là sự hợp tác đang diễn ra trong khu vực và nó đặt các cơ quan quản lý thuế vào một “sân chơi” bình đẳng hơn với người nộp thuế, trong đó có cả các công ty đa quốc gia. Cơ quan quản lý thuế chỉ hoạt động ở địa phương, nhưng đối tượng nộp thuế lại trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, điều quan trọng là các cơ quan quản lý thuế phải giải quyết được sự khác biệt này bằng cách tăng cường hợp tác với nhau.

Việt Nam nên làm gì để đối phó với tình trạng dịch chuyển lợi nhuận (ra nước ngoài để trốn thuế)?

Hiện đã có một số sáng kiến nhằm củng cố các quy định và chúng tôi (OECD) đã thảo luận với các Bộ trưởng Tài chính APEC, những người đang kêu gọi sự hỗ trợ trong việc ban hành luật, để giúp Việt Nam ký kết các văn kiện đa phương. Đây là nền tảng cho những hợp tác đang diễn ra.

Chúng tôi nghe nói rằng vào năm 2018 sẽ có một số hay đổi về luật ở Việt Nam và chúng tôi sẽ ở đây để giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện thay đổi theo hướng đó. Đây là một diễn biến rất tích cực.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hương (TTXVN)
Sẵn sàng cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng
Sẵn sàng cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng

Chỉ còn hơn một tuần nữa, tại thành phố biển Đà Nẵng sẽ diễn ra sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong năm - Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN